Khánh Hòa có 24 cơ sở sản xuất tôm sú giống
in vắn thủy sản trong tuần 11 năm 2019 bao gồm: Tuy Phước: Thả tôm giống cho hơn 616 ha đìa nuôi; Toàn tỉnh Khánh Hòa có 565ha nuôi cá nước ngọt; Khánh Hòa có 24 cơ sở sản xuất tôm sú giống.
Tuy Phước: Thả tôm giống cho hơn 616 ha đìa nuôi
Ngày 11.3, Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: đến thời điểm này bà con ngư dân ở 4 xã khu đông trên địa bàn huyện đã thả giống hơn 616 ha diện tích nuôi tôm, đạt tỷ lệ 63,4% diện tích nuôi vụ 1 năm 2019. Trong đó, có 44,3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh và 572 ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến. Số diện tích còn lại đang được chuẩn bị để thả giống theo đúng lịch thời vụ.
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 565ha nuôi cá nước ngọt
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 565ha nuôi thủy sản nước ngọt, tăng hơn 100ha so với đầu năm 2018. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu tại các ao hồ nhỏ của hộ gia đình hoặc trên các mặt nước thuộc các công trình thủy lợi ở các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh... Các loài cá được nông dân chọn nuôi chủ yếu là: mè, trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính...
Sản lượng cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh không cao, năm 2018 chỉ đạt 206 tấn, chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, quy mô nuôi cá nước ngọt của tỉnh còn nhỏ, sản lượng cá thương phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến công nghiệp.
Khánh Hòa có 24 cơ sở sản xuất tôm sú giống
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, đến đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 24 cơ sở sản xuất tôm sú giống, trong đó nhiều nhất là TP. Cam Ranh với 20 cơ sở; thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang mỗi địa phương có 2 cơ sở. Mỗi năm, các cơ sở có thể sản xuất được hơn 650 triệu con tôm sú giống. Ngoài phục vụ nhu cầu trong tỉnh, phần lớn tôm sú giống được xuất đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó 90% xuất đi Cà Mau. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 500ha ao đìa nuôi nuôi tôm sú thương phẩm, sản lượng thu hoạch năm 2018 đạt 316 tấn.