TIN THỦY SẢN

Kỹ thuật xử lý nguồn nước cho nuôi lươn không bùn

Nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phan Khắc Huy

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản. Vì thế việc áp dụng các tiến bộ mới trong công nghệ sinh học để nuôi thủy sản bền vững, giảm tác động xấu tới môi trường là rất cần thiết. Một trong những lựa chọn hiệu quả đó là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước trong quá trình nuôi.

Áp dụng công nghệ sinh học trong nuôi thủy sản nói chung và nuôi lươn nói riêng mà không sử dụng trực tiếp nước từ sông, kênh, rạch hay nước giếng khoan là vấn đề cấp thiết hiện nay, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước ao, mương vườn, sông để cấp nước cho lươn đang là xu thế thích ứng với tình trạng hạn mặn như hiện nay. Với diện tích ao/mương không cần quá lớn. Giải pháp này sử dụng các vật tư thân thiện môi trường (chế phẩm vi sinh xử lý nước, cát, than hoạt tính, vôi…) để xử lý nước cấp cho bể nuôi. Từ đó hạn chế số lần thay nước cho lươn và có thể sử dụng nước từ sông, kênh, rạch để nuôi lươn thay thế cho nước giếng, đáp ứng được tình trạng hạn mặn đang phức tạp như hiện nay.

Tận dụng diện tích xung quanh nhà để thực hiện giải pháp này như xây dựng bể nuôi lươn, ao chứa, ao lắng và bể lọc cơ học. Tùy theo nhu cầu lượng nước cần xài cho bể lươn mà diện tích diện tích ao chứa, ao lắng và bể lọc cơ học có thể tích chứa nước phù hợp, nhưng phải đảm bảo đủ nước cấp cho bể lươn từ 7 - 10 ngày sau một lần xử lý.

Công dụng của từng bể:

     + Ao chứa dùng để cấp nước cho bể lươn.

     + Bể lọc cơ học để lọc vật chất hữu cơ, vi khuẩn trong nước từ ao lắng lên và cấp cho bể chứa.

     + Ao lắng để chứa nước thải từ bể lươn và cấp nước qua bể lọc cơ học. Ao lắng có thể tận dụng để nuôi thủy sản ăn lọc như cá sặc rằn, cá rô phi.

Việc bố trí bể nuôi lươn, bể lọc cơ học, ao chứa và ao lắng sao cho mang tính tuần hoàn, thuận tiện việc cấp nước từ ao chứa cho bể nuôi lươn và nước thải từ bể lươn xuống xuống ao lắng. Nước được xử lý từ ao lắng bơm lên bể lọc cơ học rồi cho về ao chứa, thiết kế các ao cụ thể như sau:   

Ao chứa là ao đất được lót bạt hay xây dựng bể nổi trên mặt đất có lót bạt. Ao chứa phải che chắn ánh sáng, tránh lá cây, bụi,... rơi vào bể. Nước trong ao chứa được xử lý bằng Iodine hoặc thuốc tím (KMnO4) trong 24 giờ với liều khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong trường hợp cần nước gấp có thể xử lý nước bể chứa bằng Chlorine với nồng độ 30 ppm sau đó sục khí ngoài nắng trong 12 giờ có thể sử dụng nước cấp cho lươn.

     Ao lắng được lót bạt hay lót tấm lợp Fibro xung quanh mé bờ, thể tích tùy theo lượng nước cần dùng mà thiết kế cho phù hợp bể nuôi nhưng phải có độ sâu >1,5 m. Khi thiết kế, ao lắng thường có diện tích lớn hơn ao chứa 1,5 lần, vì sau 7 – 10 ngày nước trong ao chứa cấp cho bể nuôi không hết có thể xả vào ao lắng để phòng ngừa nước bị nhiễm khuẩn hay lên tảo. Nước ao lắng được xử lý Iodine, vôi bột 15 ngày/lần, sau 24 giờ xử lý thêm chế phẩm vi sinh để xử lý nước.


Thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải: Bể nuôi lươn không bùn, khung ao chứa bằng tre,  ao chứa được gia cố thêm mê bồ, ao chứa sau khi lót bạt.

     Xây dựng bể lọc cơ học: sử dụng phi nhựa có thể tích từ 300 lít được bố trí gồm 4 lớp: lớp sỏi, cát mangan (có thể thay thế bằng than hoạt tính), cát xây và lớp sỏi. Bể này chỉ có tác dụng lọc các chất hữu cơ trong nước được lấy từ ao lắng, kênh, rạch, hay sông. Nên lấy nước từ ao lắng để kiểm soát hóa chất độc hại từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nếu vào mùa khô ao lắng bị giảm lượng nước do bốc hơi có thể cấp nước từ sông, kênh, rạch những lúc nước lớn.

Phan Khắc Huy Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh Hậu Giang