TIN THỦY SẢN

Liên kết chuỗi giá trị nghêu MSC

Cần hỗ trợ người nuôi nghêu biện pháp kỹ thuật SX Nguyên Huân - Minh Phúc

Nuôi trồng và chế biến nghêu là nguồn sinh kế quan trọng, góp phần cải thiện thu nhập và kinh tế cho nông hộ sản xuất quy mô nhỏ tại Bến Tre.

Từ năm 2009, sản phẩm nghêu tỉnh Bến Tre đã đạt chứng nhận MSC. Đây là thành công lớn giúp sản phẩm nghêu mở rộng được thị trường tiêu thụ sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc... Từ đó, giá bản sản phẩm nghêu đạt chứng nhận MSC cũng tăng từ 25 - 30% giúp nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Từ những thành công có được của nghề nuôi nghêu tại Bến Tre, tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng phối hợp triển khai dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” tại 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh.

Hiện nay, chứng nhận MSC là nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới, các thị trường tiêu thụ sản phẩm trên thế giới đặc biệt quan tâm đến nhãn hiệu này. Trong thời gian tới, chứng nhận MSC sẽ được xem như một giấy thông hành và là điều kiện cần để các doanh nghiệp xuất khẩu nghêu Việt Nam sang các thị trường tiêu thụ trên thế giới.

Chính vì vậy, ngay từ lúc này việc đạt được các chứng nhận MSC sẽ giúp các doanh nghiệp của Việt Nam xây dựng một thương hiệu nghêu đạt chứng nhận để dễ dàng tiếp cận được với các thị trường tiềm năng và có giá trị cao như châu Âu, Nhật Bản.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc  ICAFIS chia sẻ, việc thúc đẩy người nuôi và các doanh nghiệp gắn kết theo chuỗi hướng đến chứng nhận MSC sẽ tăng lợi ích kinh tế, gắn kết bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định phát triển xã hội, ngành hàng.

"Hiện các sản phẩm đạt chứng nhận MSC sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường khó tính, từ đó sẽ nâng cao được giá trị gia tăng, giúp người dân, doanh nghiệp có đầu ra ổn định. Thực tế cho thấy, so sánh với các sản phẩm chưa đạt được chứng nhận MSC thì giá trị các sản phẩm đạt chứng nhận MSC tăng hơn 30 - 50%.


SX nghêu theo chuỗi để tăng hiệu quả kinh tế

Ngoài ra, trong xu thế tiêu dùng hiện nay, chứng nhận MSC sẽ là điều kiện để tiếp cận với hơn 100 thị trường tiềm năng trên thế giới. Bên cạnh đó, dư địa cho phát triển thị trường đối với sản phẩm nghêu còn rất lớn. Vì vậy, để nắm lấy cơ hội để mở rộng thị trường ngay từ bây giờ cần xây dựng nhãn hiệu sinh thái cho sản phẩm nghêu Việt Nam từ chuỗi trang trại đến bàn ăn đạt chứng nhận MSC để nắm lấy cơ hội để mở rộng thị trường", ông Lập nói.

Bà Trần Thị Thu Nga, Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre cho rằng, chứng nhận MSC không phải là "chiếc đũa thần" giúp con nghêu có giá bán cao, mà cái quan trọng là nó mang lại nguồn lợi bền vững cho cộng đồng người dân sống trên nguồn lợi thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ an sinh xã hội, vấn đề về môi trường sinh thái được bảo vệ một cách bền vững. Đây là một trong những vấn đề được các nước tiêu thụ đặc biệt quan tâm.

Ông Phan Văn Sính, người nuôi nghêu tại Gò Công, Tiền Giang cho hay, bên cạnh thuận lợi người dân vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai, do năng lực yếu, do tập quán sản xuất nên vấn đề ghi chép sổ sách, nhật ký vẫn còn hạn chế. Cần hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa tác động của biến đổi khí hậu xảy ra, có những cảnh báo về môi trường để người dân nắm rõ để điều tiết sản xuất, thời gian thả giống. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

Nguyên Huân - Minh Phúc NNVN