TIN THỦY SẢN

Long An: Hiệu quả bước đầu của nuôi tôm ứng dụng công nghệ

Nông dân nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao mang lại hiệu quả bước đầu Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) được triển khai trên địa bàn tỉnh Long An mang lại hiệu quả đáng kể, giúp nâng cao năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng một phần công nghệ cao

Hiện nay, người dân vùng hạ của tỉnh đang tất bật chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới năm 2019. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, những năm gần đây, việc nuôi tôm của nông dân gặp nhiều khó khăn như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, thời tiết diễn biến bất thường,... Cùng với đó, nông dân chưa vệ sinh, xử lý ao, đầm đúng yêu cầu kỹ thuật, tình trạng lạm dụng các loại thuốc kháng sinh còn xảy ra, chưa thể kiểm soát được. Để vụ tôm mới thành công, huyện thường xuyên khuyến cáo người dân vệ sinh ao, đầm và chọn con giống thật kỹ, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. 

Đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 1.800ha tôm nước lợ, bằng khoảng 67,1% so cùng kỳ; thu hoạch 1.389ha, năng suất bình quân ước 2,3 tấn/ha; có 54,6ha bị thiệt hại do sốc môi trường nước và bệnh đốm trắng.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nuôi tôm ƯDCNC do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thử nghiệm. Cụ thể, mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc tại xã Tân Chánh với diện tích 7.000m2 (gồm ao lắng thô 2.500m2, ao lắng tinh 1.500m2, ao ươm 400m2 và ao nuôi 1.200m2), bước đầu mang lại hiệu quả, cho năng suất 30 tấn/ha (cao hơn ngoài mô hình 2,5 tấn/ha). Huyện còn kết hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ƯDCNC tại Hợp tác xã Nuôi tôm Hòa Quới (xã Tân Chánh), hiện tôm phát triển tốt. Ngoài diện tích thử nghiệm, hiện nay, toàn huyện có hơn 150ha nuôi tôm công nghiệp (mật độ trên 60 con/m2, được trang bị đầy đủ dụng cụ như máy cho ăn, máy quạt nước, máy thổi oxy đáy), năng suất trung bình từ 4-5 tấn/ha/vụ. Cá biệt có hộ nuôi tôm đạt năng suất khá cao, từ 8-10 tấn/ha/vụ. 

Ông Châu Văn Suy (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi nuôi 1ha tôm ƯDCNC. Nhờ áp dụng mô hình này, dịch bệnh ít xuất hiện, năng suất tăng đáng kể, ước gần 15 tấn/ha/vụ. Theo quy trình kỹ thuật mới, việc quản lý được thực hiện nghiêm ngặt, chủ yếu ứng dụng các thiết bị, máy móc trong quá trình kiểm tra, chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Tôm nuôi được cho ăn bằng máy. Các tiêu chuẩn của ao nuôi được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày như độ kiềm, độ pH, độ cứng, canxi, magie,... Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất ao, con tôm sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng”. Ngoài ra, ông Suy còn có 2ha tôm nuôi theo hướng công nghiệp, năng suất từ 2-2,5 tấn/ha/vụ. Theo ông Suy, nuôi tôm theo hướng công nghiệp tuy lợi nhuận thấp hơn so với nuôi tôm ƯDCNC nhưng dễ chăm sóc, dễ kiểm soát hơn, rủi ro cũng ít hơn. 

Còn theo anh Nguyễn Hoàng Lâm (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc), điểm khác biệt giữa mô hình nuôi tôm ƯDCNC so với bình thường là với diện tích 1ha, nông dân không sử dụng hết toàn bộ diện tích mặt nước thả nuôi mà có thể nuôi 2 ao, diện tích từ 1.000-1.200m2/ao. Phần diện tích còn lại dùng làm ao chứa lắng, ao bùn, ao ươm,... Chi phí đầu tư ban đầu từ 100-150 triệu đồng/ao, thời gian sử dụng từ 3-5 năm. Toàn bộ đáy ao được lót bạt, xung quanh dùng tole hoặc bạt che, bên trên là lưới chống nắng. Quan trọng nhất là diện tích chứa lắng, từ 70-80% lượng nước chứa lắng để cung cấp cho mô hình. Ao chứa bùn làm cho môi trường sạch sẽ. Một số trường hợp có thể xử lý chất thải để tái sử dụng nguồn nước.

Chủ tịch UBND xã Tân Chánh, huyện Cần Đước - Võ Nguyên Chí cho biết: “Nhiều năm qua, địa phương được lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật và hạ tầng để tập trung phát triển con tôm. Năm 2018, toàn xã có 944ha mặt nước thả nuôi tôm, đạt 118% kế hoạch, năng suất trung bình 2,5-3,5 tấn/ha, tổng lợi nhuận trên 43 tỉ đồng. Hiện địa phương có 1 hợp tác xã và 9 tổ hợp tác nuôi tôm, với tổng diện tích trên 26ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 2 mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích 3ha tại ấp Hòa Quới và ấp Lăng, đạt sản lượng gần 60 tấn/năm, mang lại cho người nuôi lợi nhuận hàng tỉ đồng. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục kết hợp các ban, ngành chuyên môn triển khai thực hiện các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và chính sách hỗ trợ xây dựng ao lắng cho người dân; đồng thời, mở thêm nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trình diễn nhiều đối tượng thủy sản mới. Phấn đấu đến cuối năm 2020, xã Tân Chánh sẽ hoàn thành kế hoạch thực hiện 500ha tôm theo hướng công nghiệp”.

Để đạt hiệu quả lâu dài

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh - Phạm Phú Hùng, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000ha nuôi tôm ứng dụng một phần CNC và theo hướng công nghiệp. Hướng tới, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp. Các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình nuôi công nghiệp phù hợp với thực tế và khả năng đầu tư của nông dân; hỗ trợ thiết thực và hiệu quả thông qua các hình thức: Huấn luyện thực tế (tham quan mô hình ngoài tỉnh), tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, thành lập hợp tác xã, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm nhu cầu sản xuất như điện, thủy lợi, giao thông,...; tập trung chỉ đạo khung thời vụ nuôi tôm, thực hiện quan trắc môi trường nước vùng nuôi nhằm khuyến cáo kịp thời đến người nuôi; tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản tại cơ sở sản xuất giống và giống thủy sản nhập tỉnh; triển khai giám sát bệnh thủy sản tại vùng nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, người dân đang theo dõi tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước để chọn thời điểm thích hợp thả giống. 


Thu hoạch tôm nuôi

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Nhằm bảo đảm duy trì diện tích và sản lượng tôm trong năm 2019, sở xây dựng khung lịch thời vụ và tổ chức các đợt quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo kịp thời đến các địa phương. Đồng thời, sở xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng nguồn giống thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản để tiến hành đánh giá và phân loại theo quy định; kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh và chất độc hại trên sản phẩm thủy sản nuôi; điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm thủy sản tại các cơ sở nuôi, thu gom, sơ chế, chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, sở phối hợp các ban, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân; hướng dẫn các quy trình nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh. Sở tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh và tăng cường triển khai thí điểm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người nuôi tôm nước lợ sản xuất theo mô hình ƯDCNC tại các huyện vùng hạ”.

"Thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải có diện tích đất lớn; nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn; phải xử lý sạch nguồn nước, con giống phải bảo đảm sạch bệnh. Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn được thực hiện bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao,... Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất gấp 2-3 lần so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất”.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh - Phạm Phú Hùng

Huỳnh Phong - Bùi Tùng Báo Long An