TIN THỦY SẢN

Mùa lũ "kỳ lạ"

Hàng ngày, vào sáng sớm, chị Tươi cùng con gái nhỏ bơi xuồng thăm dớn và thả lưới bắt cá ở những cánh đồng ngập nước. Mỗi ngày chị kiếm được hơn 1kg cá đồng các loại, đủ cho bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Lý Anh Lam/ Báo Hậu Giang

Thời điểm này, dân câu lưới đang tất bật cho vụ cá cuối mùa lũ với hy vọng sẽ có nguồn thu khá hơn. Tuy nhiên, diễn biến của con nước năm nay khá “lạ”, khiến cho những ai quen sống cùng mùa lũ cũng phải bất ngờ.

Kênh Tha La sau mấy tháng hòa mình vào cánh đồng nước mênh mông nay đã dần “định hình” trở lại. Những đoạn bờ đất cao nhú lên khỏi mặt nước sau mấy tháng tắm mình trong vị ngọt của phù sa. Với dân câu lưới, con nước năm nay có thể xem là “kỳ lạ”, bởi nó không giống với kinh nghiệm dân gian từ trước tới nay.

Mạnh tay quăng chiếc chài bổng vào không trung, ông Trần Kim Phước, người dân xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) xởi lởi: “Ông, bà mình nói giữa tháng 9 (âm lịch) nước bêu đồng, rồi “cầm” lại đó để cá, tôm có thời gian sinh sản. Sang tháng 10 nước rút, cá, tôm kịp lớn để nuôi sống dân câu lưới. Năm nay không như vậy, nước lên rất nhanh rồi xuống… “một cái một”! Vậy là con cá “trôi” theo nước làm dân bà cậu tiếc hùi hụi. Theo tui quan sát, nước vực mỗi ngày hơn cả tấc chứ không ít”.

Bên cạnh câu chuyện nước lên nhanh, rút nhanh là hình ảnh ông Phước rắn rỏi và nhanh nhẹn trong cuộc mưu sinh của mình. Ngày nào ông cũng xuống phía hạ nguồn đập tràn Tha La chài cá để bán. Ông Phước cho biết, hôm “trúng mánh” được hơn 300.000 đồng, khi nào ít cũng trên 100.000 đồng. Do siêng chài nên mấy tháng nước lên gia đình có đồng ra đồng vô, không phải lo cảnh thiếu hụt.

Theo ông Phước, cá “chạy” nhiều nhất là vào ngày 10 và 25 (âm lịch) nên ông tranh thủ kiếm tiền nhiều nhất trong dịp này. Vừa trao đổi với chúng tôi, ông Phước vừa bắt lưới, quăng chài. Trên gương mặt đen sạm của người ngư dân đó toát lên niềm hy vọng vào nguồn lợi từ lũ cuối mùa.

Nằm thong dong trên chiếc võng giăng cặp bờ kênh, ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) đang lim dim mắt tận hưởng cái mát mẻ của mùa lũ. Kéo vó hơn tháng nay, ông nhận thấy lượng cá không như mong đợi. Tuy nhiên, bà cậu chắc cũng không bỏ những ngư dân lương thiện như ông nên cứ cho cá vô vó đều đều.

“Có mẻ dính đến 2 - 3kg cá đủ loại, nhiều nhất là cá linh. Có khi được vài ba con nhưng tui vẫn yên tâm vì bạn hàng mua cá với giá cao nên mình còn sống được. Năm nay nước lên cao, tưởng sẽ dễ kiếm cá nhưng thật ra lại không như kỳ vọng. Chắc phải đợi nước vực xuống vài tấc nữa mới có cá, chứ bây giờ tui chỉ kéo vó cầm chừng” - ông Sáu thật tình.

Là dân đổ dớn “chuyên nghiệp”, anh Trần Văn Hiệu từ xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) phải lên tới cánh đồng giáp biên xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) để mưu sinh. Với con nước rút nhanh như hiện nay, anh Hiệu cũng kịp kiếm được vài kg cá heo đuôi đỏ mỗi ngày. Do bạn hàng cân cá với giá 100.000 đồng/kg nên anh cũng có nguồn thu khá.

Anh chia sẻ, càng về cuối mùa nước nổi, dân câu lưới càng bội thu. Bởi đây đến cuối mùa lũ chỉ còn hơn 1 tháng nên anh phải tranh thủ từng ngày để kiếm cá thật nhiều. Anh Hiệu chào tạm biệt chúng tôi rồi cùng chiếc vỏ lãi lướt nhanh trên đồng nước biên giới để lên thăm dớn. Tiếng máy nổ giòn giã cứ nhỏ dần theo cái bóng của người ngư dân cần lao giữa biển nước mênh mông như mang theo hy vọng vào những mẻ dớn đầy ắp cá.

Xuất thân là dân câu lưới rồi chuyển sang kinh doanh quán cá đồng, anh Phạm Văn Út (ngụ xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) nhận thấy rất rõ sự “thưa vắng” của các loài thủy sản. “Thông thường, tôi mua cá tươi của những ngư dân đánh bắt được tại khu vực đập tràn Trà Sư để chế biến cho thực khách. Mùa nước này, họ bán cá ít hơn mọi năm. Chợ đêm Tha La tuy có đủ mặt cá nhưng sản lượng không nhiều. Tuy nhiên, thực khách đến quán vẫn khá đông, đặc biệt là dịp cuối tuần. Chắc phải đợi chừng 20 ngày nữa, khi cá ra sông thì dân câu lưới mới có thu nhập ổn định hơn, còn tôi thì có được nguồn cá dồi dào phục vụ thực khách” - anh Út cho hay.

Dù lũ năm nay diễn biến bất thường nhưng dân câu lưới vẫn trông đợi vào vụ cá cuối mùa. Với họ, lũ cuối mùa bao giờ cũng là niềm vui, là nơi gửi gắm niềm tin vào cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn. Và khi con nước đi xa, họ lại trở về với cuộc sống đời thường của mình.

Báo An Giang