TIN THỦY SẢN

Mùa mực mé ven biển Tây

Các cơ sở thu mua tại Khánh Hội đang phân cỡ từng loại mực để phục vụ cho việc xuất khẩu. Huỳnh Lâm

Sau những ngày biển động, trên vùng biển Tây Nam Cà Mau, những ngư dân câu mực tại Kênh Hòn, Đá Bạc, Ba Tĩnh, Lung Ranh, Khánh Hội... lại tất bật vào mùa câu mực. Mỗi tối, có hàng trăm phương tiện ra khơi câu mực.

Không có điều kiện đầu tư tiền tỷ để đóng tàu lớn vươn khơi xa để đánh bắt, hàng ngàn ngư dân U Minh, Trần Văn Thời chọn cách câu mực đêm ở vùng biển ven bờ. Trừ những khi biển động, trời có trăng, cứ đến tầm cuối giờ chiều mỗi ngày, ngư dân các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời); Khánh Hội, Khánh Tiến (huyện U Minh)... sử dụng ghe tàu, vỏ lãi chạy ra cách bờ 3 - 6 hải lý để hành nghề, đến sáng sớm hôm sau mới trở về bến.


Mang theo hàng tấn mực tươi mỗi chuyến, phục vụ cho nhu cầu con người. 

Dụng cụ câu mực đêm khá đơn giản, gồm bóng đèn, bình ăc-qui, vợt, cần câu, dây, mồi là con tôm giả đầy màu sắc làm bằng chì hoặc nhựa phản quang, có gắn chùm móc câu phía dưới và quấn giấy kim tuyến xanh, đỏ, tím, vàng để dễ bắt ánh sáng, thu hút mực đến ăn.


Hàng trăm phương tiện câu mực của ngư dân ven biển Tây Cà Mau đang về bến.


Công đoạn làm sạch mực rất quan trọng, giữ cho mực được tươi ngon.

Từ lâu, ngư dân ven biển Tây Cà Mau được nhiều người biết đến là nơi có ghe tàu hành nghề câu mực hùng hậu nhất tỉnh. Sản lượng khai thác mực hàng năm lên đến vài chục tấn. Những thanh niên trai tráng vùng này từ thuở bé đã được cha, ông chỉ dạy cho cách câu mực và cũng chính con mực đã nuôi dưỡng trưởng thành bao thế hệ người dân nơi đây.


Sơ chế mực tại vựa Tư Tường, ấp Kênh Hòn, xã Khánh Bình Tây, mỗi ngày thu mua hàng tấn mực từ những ghe câu.

Trong những năm qua, nghề câu mực không chỉ giúp người dân ven biển Tây Cà Mau có được cuộc sống khấm khá hơn, mà còn giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huỳnh Lâm Báo Ảnh Đất Mũi