Mua và tặng bảo hiểm cho ngư dân: Niềm vui chưa trọn
Năm 2013, “Quỹ Tấm lòng vàng” Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã mua và tặng bảo hiểm cho tàu cá và thuyền viên Quảng Ngãi. Đó là việc làm rất có ý nghĩa. Nhiều ngư dân rất vui mừng khi cầm trên tay tấm thẻ “bảo hiểm” này. Tuy nhiên, phương thức thực hiện quá bất cập khiến niềm vui kia chẳng thành hiện thực.
Số lượng tàu cá và đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá được tặng bảo hiểm khá nhiều. Tương ứng với rủi ro khi hành nghề trên biển của ngư dân ở Quảng Ngãi cũng khá lớn. Tuy nhiên, sau một năm, số đối tượng được hưởng bảo hiểm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực trạng “có cũng như không”
Ngư dân Nguyễn Văn Quang, ở khu dân cư số 12, thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) qua đời khi đang hành nghề trên vùng biển đã đẩy gia đình vào cảnh khốn cùng. Vợ anh Quang bị ung thư giai đoạn cuối. Mẹ anh bị mù, 3 con còn nhỏ dại không còn chỗ dựa.
Trường hợp tàu cá của anh Hàn Minh Trọng (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn) mang số hiệu QNg 96237 TS cũng chẳng khác gì. Cuối năm 2013, khi đang giong tàu từ Lý Sơn đến Trường Sa, ngang vùng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Định thì tàu va phải một vật cản khiến tàu bị vỡ. Các thuyền viên trên tàu phát tín hiệu cầu cứu khẩn cấp và được tàu cứu hộ cứu nạn Bình Định đưa vào bờ an toàn.
Chiếc tàu cá bị nạn cũng được lai dắt vào bờ. May mắn thoát nạn, nhưng tàu bị hư hỏng, thiệt hại quá lớn. Tấm thẻ bảo hiểm tàu cá, mệnh giá chi trả bảo hiểm lên đến 500 triệu đồng của Quỹ Tấm lòng vàng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng như một “chiếc phao cứu hộ” với chủ tàu Hàn Minh Trọng. Anh Trọng vội vã liên hệ với phía công ty bảo hiểm, nhưng sau đó đã nhận được câu trả lời: Trường hợp tàu gặp nạn này không thuộc đối tượng chi trả bảo hiểm của công ty!
Lý giải của công ty bảo hiểm
Chiều 21.4, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Công ty bảo hiểm PVI Nam Trung Bộ (số 37 đường Hai Bà Trưng, TP.Quảng Ngãi) – doanh nghiệp được Quỹ Tấm lòng vàng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn thực hiện chương trình bảo hiểm tàu cá, thuyền viên cho ngư dân Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Phú Minh - Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2013, Tổng Công ty bảo hiểm PVI thực hiện hai loại hình bảo hiểm cho tàu cá, thuyền viên gồm: Bảo hiểm “An Ngư Việt” và bảo hiểm của Quỹ Tấm lòng vàng. Mỗi loại hình bảo hiểm quy định rõ ràng điều kiện được hưởng bảo hiểm. Hai trường hợp nêu trên không nằm trong diện được hưởng nên công ty không thể chi trả.
Ông Nguyễn Phú Minh lý giải: Đối với tàu cá của anh Hàn Minh Trọng thuộc loại hình bảo hiểm “An Ngư Việt”. Điều kiện hưởng là phải đang đánh bắt trên vùng biển thuộc đặc quyền của Việt Nam bị tàu nước ngoài làm đắm tàu; đồng thời tàu phải chìm, mất hết tài sản trên tàu. Đối chiếu theo điều khoản hưởng của bảo hiểm “An Ngư Việt” thì tàu của ngư dân Hàn Minh Trọng không được hưởng bảo hiểm. “Ở Quảng Ngãi đến nay chưa có trường hợp nào được hưởng bảo hiểm An Ngư Việt” – ông Nguyễn Phú Minh khẳng định.
Đối với trường hợp anh Nguyễn Văn Quang (thôn Đông, An Hải, Lý Sơn) tham gia chương trình bảo hiểm của Quỹ Tấm lòng vàng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Minh cho rằng, anh Quang chết là do đột tử, không thuộc trường hợp được hưởng bảo hiểm. Bảo hiểm chỉ chi trả cho ngư dân bị tai nạn va đập hoặc ngã xuống biển. Tuy nhiên vì hoàn cảnh của gia đình ngư dân Nguyễn Văn Quang quá khó khăn, mới đây Công ty Bảo hiểm PVI Nam Trung Bộ đã hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình anh Quang, để chia sẻ một phần khó khăn.
Cần tạo giá trị thực
Theo lãnh đạo Công ty Bảo hiểm PVI Nam Trung Bộ, tính đến nay Quảng Ngãi mới có 5 trường hợp được Công ty chi trả bảo hiểm tai nạn thuyền viên, trong đó 2 bảo hiểm toàn phần do tai nạn chết trên biển (50 triệu đồng/người); 3 trường hợp bảo hiểm một phần, mức bảo hiểm rất thấp, lần lượt là 4,2 triệu đồng, 5,2 triệu đồng; 9,5 triệu đồng/tai nạn.
Dĩ nhiên, chưa hiểu thì chưa thể cảm thông, chia sẻ được. Vì thế, quy trình mua – tặng bảo hiểm cho tàu cá, thuyền viên ở Quảng Ngãi nhất thiết phải được tính toán lại cho hợp tình, hợp lý. Về điều kiện bảo hiểm quá khắt khe khiến ngư dân, tàu cá bị nạn thật nhưng rất khó có thể “chạm vào” đồng tiền bảo hiểm. Về việc này cần thiết phải được công ty bảo hiểm cân nhắc, điều chỉnh, tránh trường hợp ngư dân hoài nghi về giá trị thực của tấm thẻ bảo hiểm. Điều chỉnh điều kiện hưởng bảo hiểm theo hướng mở rộng phạm vi cũng chính là góp phần cùng cả nước “trợ lực” để ngư dân vững lòng vươn khơi bám biển làm giàu, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.