Nam Định: Ngư dân điêu đứng vì nạn trộm cắp ngư
Mưu sinh trên biển, ngư dân thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhất là thiên tai. Nhưng không chỉ có vậy, họ đang còn phải đối mặt với một vấn nạn khác, khá phổ biến đó là nạn trộm cắp ngư cụ. Ở huyện Hải Hậu (Nam Định) nhiều gia đình ngư dân đã và đang điêu đứng vì vấn nạn này…
Mất cắp cả tỷ bạc
Huyện Hải Hậu có 7 xã có nghề cá, trong đó nghề đánh lưới rê tập trung ở 2 xã Hải Chính, Hải Triều. Theo ngư dân địa phương, hiện tại một cheo lưới rê họ phải mua với giá từ 8-9 triệu đồng. Hầu hết tiền đầu tư mua sắm ngư cụ, trong đó có lưới rê ngư dân đều phải đầu tư từ nguồn vốn vay ngân hàng.
Vậy mà theo thống kê của Hiệp hội nghề cá, hai xã Hải Chính, Hải Triều, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến tháng 6-2013 vừa qua, ngư dân ở đây đã 22 lần bị mất trộm lưới rê với 545 cheo lưới, thiệt hại gần 3,8 tỷ đồng. Hầu hết các vụ mất trộm ngư cụ trên đều xảy ra tại ngư trường tỉnh Thanh Hóa…
Theo trần tình của ông Kim Ngọc Tế ở xóm Nam Ninh, xã Hải Chính, chủ tàu NĐ 92668 TS, ngày 13-6 vừa qua, khi đang đánh bắt ở vùng biển Thanh Hóa, cách cửa sông Ninh Cơ khoảng 50 hải lý, tàu cá của ông bị kẻ gian lấy cắp mất 42 cheo lưới, trị giá tới 400 triệu đồng. Gia đình ông Vũ Xuân Trường, trú ở xóm Tây Sơn-cùng xã Hải Chính, chủ tàu NĐ 2758 TS thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Ông Trường cho hay từ năm 2010 đến nay ông đã ba lần bị mất trộm, tổng cộng 110 cheo lưới, trị giá gần 700 triệu đồng. Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Thảo ở xóm Tân Minh, xã Hải Triều, tàu NĐ 92886, ngày 27-2 vừa qua trong lúc đang đánh bắt ở vùng biển Thanh Hóa cũng bị mất tới 69 cheo, trị giá gần 500 triệu đồng.
"Có hộ vừa vay được vốn đầu tư mua phương tiện, lưới đánh bắt nhưng mới được vài chuyến đã bị kẻ gian cuỗm sạch lưới, dẫn đến nợ nần chồng chất, buộc phải bỏ nghề, bỏ quê trốn nợ”- ông Cao Thanh Tùng-Hội trưởng hội nghề cá xã Hải Chính than thở.
Ông Tùng kể, nhiều năm lăn lộn ở vùng biển Thanh Hóa chúng tôi biết rõ ở xã Hoằng Trường-huyện Hoằng Hóa có khoảng 20 phương tiện chuyên hành nghề trộm cắp lưới của ngư dân các địa phương khác. Đặc điểm của các phương tiện này là có công suất lớn, đông người, trang bị cả Tời, Cẩu mục đích để tời, cẩu, kéo lưới khi cắt trộm được. Mùa cá Nam họ bám theo xuống phía Nam cửa Ba Lạt. Mùa cá Bắc họ bám xuống khu vực Thanh Hóa-Nghệ An. Họ thường nghe thông tin ngư dân gọi nhau qua bộ đàm để xác định vị trí lưới được thả. Khi đêm xuống họ trà trộn vào để chờ thời cơ. Khi "hành sự” họ thường phân công một phương tiện quan sát cảnh báo để 3-4 phương tiên khác trực tiếp cắt trộm lưới. Nếu bị phát hiện, phương tiện làm nhiệm vụ canh gác sẽ phát tín hiệu cho các phương tiện đang cắt trộm tẩu thoát…
"Nhiều lần, qua thông tin bộ đàm chúng tôi nghe rõ người trên các phương tiện này gọi nhau để bàn cách trộm lưới của chúng tôi. Có vụ sau khi cắt trộm được lưới, họ còn nghi binh bằng cách buộc đá vào vọi, phao rồi thả xuống biển để lừa chúng tôi rằng lưới vẫn còn. Biết rõ mười mươi họ cắt trộm lưới của mình nhưng do phương tiện của họ công suất lớn, đông người, lại có cả mìn, thuốc nổ nên chúng tôi không làm gì được. Không ít trường hợp sau khi mất chúng tôi lại phải mua lại hoặc phải chuộc lại lưới từ chính kẻ trộm””- ông Tùng bức xúc nói.
Bó tay?
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Vũ Đức Thọ-Trưởng Phòng Phòng Chống tội phạm ma tuý- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định-đơn vị có nhiệm vụ phòng chống tội phạm trên biển- cho biết, việc ngư dân Hải Hậu phản ánh thường xuyên bị mất ngư cụ, giá trị lớn ở vùng biển Thanh Hóa, qua điều tra, xác minh Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định là hoàn toàn có thật. Cụ thể, theo đại tá Thọ, từ đầu năm 2012 đến nay, trong số 11 vụ ngư dân Hải Hậu mất trộm ngư cụ Biên phòng Nam Định có hồ sơ thì có đến 9 vụ xảy ra ở vùng ngư trường này.
Cũng theo đại tá Thọ, trước thiệt hại, bức xúc của ngư dân địa phương, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã cử cán bộ vào làm việc trực tiếp với BCH Bộ đội BP tỉnh Thanh Hóa nhằm phối hợp ngăn chặn, xử lý nạn trộm cắp ngư cụ trên vùng biển này, bảo vệ an toàn tài sản cho ngư dân yên tâm đánh bắt. Ngoài ra, BP Nam Định còn cử cán bộ, chiến sỹ đi cùng ngư dân để điều tra, xác minh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do kết quả vẫn còn hạn chế. Đại tá Thọ cho rằng, nguyên nhân chính do ngư trường quá rộng, có phương tiện thả lưới dài cả chục km nên không thể bao quát hết được. Các vụ mất lưới xảy ra chủ yếu vào ban đêm, không nhân chứng, ít để lại dấu vết nên rất khó khăn cho công tác xác minh đối tượng. Trên thực tế, việc mất trộm ngư cụ vẫn đang thường xuyên diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng tại vùng biển Thanh Hóa. Đơn cử, ngày 30-7 vừa qua, trong lúc hội nghị tuyên truyền phòng chống trộm cắp ngư cụ do Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu phối hợp tổ chức đang diễn ra thì nhận được tin anh Cung-một ngư dân Hải Chính vừa mất 25 cheo lưới ở ngư trường này, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Việc liên tục bị mất trộm ngư cụ trên vùng biển Thanh Hóa thời gian qua đang khiến nhiều ngư dân, trong đó có nhiều ngư dân đến từ Hải Hậu-Nam Định điêu đứng, hoang mang. Nguy cơ xảy ra bạo động giữa các nhóm ngư dân do vậy rất cao và trên thực tế đã xảy ra, hậu quả khá nghiêm trọng. Đề nghị chính quyền, các cơ quan chức năng của các địa phương liên quan cần quan tâm, có biện pháp phối hợp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng này….