TIN THỦY SẢN

Nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi tôm kết hợp với cá dìa và cua

Mô hình nuôi xen ghép cá, tôm, cua đã mang lại "lợi ích kép" cho người dân Phan Việt Toàn

Nhằm đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình nuôi xen ghép, ngày 10/7/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình nuôi tôm thẻ kết hợp với cá dìa và cua trong ao đất.

Đây là mô hình triển khai nhằm đa dạng hóa và chuyển đổi đối tượng nuôi tại những vùng nuôi tôm kém hiệu quả, hay bị dịch bệnh, giúp tăng thu nhập cho người nuôi, cải tạo môi trường sinh thái và hướng tới nghề nuôi ổn định, bền vững.

Mô hình được triển khai với quy mô 0,4 ha, tại thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh; nuôi theo hình thức xen ghép, mật độ thấp trong cùng một ao nuôi, trong đó cá dìa nuôi 1 con/m2, tôm thẻ 10 con/m2, cua 0,5 con/m2. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ về con giống tôm, cá dìa, cua và thức ăn cho các đối tượng nuôi là 50%, tổng giá trị hỗ trợ của mô hình là hơn 35 triệu đồng, còn lại do người thực hiện mô hình đối ứng.

Sau gần 3 tháng triển khai mô hình nuôi kết hợp này cho thấy, các đối tượng nuôi không ảnh hưởng nhau mà còn tương trợ và bổ sung cho nhau, giúp hạn chế được chi phí cho người nuôi. Các đối tượng nuôi đều có tốc sinh trưởng phát triển nhanh, môi trường nuôi ổn định, không bị biến động mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp. Trọng lượng bình quân của tôm đạt 55 con/kg, cá đạt 5 con/kg, cua đạt 6 con/kg. Sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng.

Hình thức nuôi kết hợp cá dìa, tôm và cua  trong cùng một ao đã đem lại “lợi ích kép” cho người dân, vừa có thể mang lại giá trị kinh tế vừa tác động rất tích cực đến môi trường nuôi nói chung. Hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh do điều kiện tự nhiên, môi trường không thuận lợi; tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nuôi tôm; tạo cho người dân ý thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. So với nuôi chuyên tôm thì mô hình xen ghép tôm, cua, cá đã giảm rủi ro cho các hộ và tạo thêm thu nhập ổn định. Qua đây có thể khẳng định rằng, hình thức nuôi kết hợp là một giải pháp tốt và an toàn cho các ao nuôi tôm kém hiệu quả vùng thấp triều.

Thông qua mô hình đã nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi, thay đổi cách nhìn của người dân trong quá trình lựa chọn hình thức và đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm khôi phục lại một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả, đa dạng đối tượng nuôi và tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích theo hướng an toàn và bền vững.

Phan Việt Toàn TTKN Quảng Trị