TIN THỦY SẢN

Ngư dân Huế trúng đậm cá cơm

Ngư dân Huế trúng đậm cá cơm Minh Ngọc

Sau cơn bão số 2 ngư dân hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn (Huyện Quảng Điền – Thừa Thiên Huế) bất ngờ 'trúng đậm' cá cơm. Chỉ trong vài giờ đánh bắt buổi sáng, thuyền nào cũng đánh bắt được từ 2 đến 3 tấn cá cơm.

Có mặt tại bờ biển xã Quảng Công huyện Quảng Điền vào lúc sáng sớm những ngày này mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những con thuyền nhỏ nối đuôi nhau, lần lượt hướng về phía bờ biển với khoang đầy ắp phủ một màu trắng của cá cơm. Bà con đi biển kể rằng, không biết thế nào sau cơn bão số 2, cá cơm vùng biển này nhiều đến lạ, bà con chỉ mới đi bủa xăm được vài tiếng trong buổi sáng đã có vài tấn cá, chất đầy ắp thuyền.

Đang vui mừng vì biển đã sạch trở lại, ngư dân Hồ Văn Thu hóm hỉnh cười hiền "Mới tờ mờ sáng ni, tui cùng mấy anh em bạn chài đi dọc theo con nước, tui đoán khoảng cách vị trí đánh bắt nếu nhìn về từ biển vào đất liền độ vài trăm mét, không biết tù đâu từng đàn cá cơm bơi tới tạo thành những mảng trắng rất to. Bất ngờ vì đán cá xuất hiện nhiều, tui đưa máy gọi điện các bạn chài cùng mang xăm và ngư cụ ra bủa, chỉ trong vòng chưa tới 2 tiếng bủa lưới thuyền nhà của chúng tôi đã kiếm được từ 5 đến 7 tạ cá cơm", ông Thu kể lại.

Trong lúc đó hầu hết cá cơm sau khi đánh bắt từ ngoài biển trở về đều được các thương lái thu mua ngay tại bờ biển, một số ít được đưa vào lò hấp phơi làm cá khô. Cá cơm được mùa, không chỉ ngư dân mà các chủ lò hấp rồi những người lao động thời vụ ở đây rất phấn khởi vì có thêm việc làm để nâng cao thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một lao động hấp sấy cá cho biết: Năm nay được mùa cá cơm đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các lò hấp sấy cá hoạt động trở lại. Chúng tôi mong thời tiết thuận lợi, cá biển được mùa để có việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt ngư dân hai xã Quảng Công và Quảng Ngạn vốn có kinh nghiệm làm mắm từ bao đời nay nên mắm, nước mắm cá cơm có vị thơm, ngon đặc trưng, khác hẳn với nước mắm công nghiệp. Cá cơm bủa về trong sáng ni có đến 70% ủ làm nước mắm

Hiện nay, với giá thu mua cá cơm tại bờ biển xã Quảng Công, Quảng Ngạn từ 10.000-12.000đồng/kg chuyến đi biển buổi sáng thuyền của ngư dân Trần Hùng ở xã Quảng Công cầm chắc không dưới 15 triệu đồng, trừ chi phí còn lời ngấp nghé khoảng một nửa.

Theo lời của anh Hùng, số tiền lời được chia cho các bạn đi cùng. "Cá cơm được khai thác quanh năm nhưng cá cơm đến từng đàn, với sản lượng nhiều xuất hiện trong hai ngày nay tại vùng biển xã Quảng Công là một hiện tượng lạ, đem lại sự bất bờ thú vị kể cả những người tham gia đánh bắt cá và tư thương thu mua trên biển", anh Hùng khẳng định

Chị Trần Thị Cúc ở xã Quảng Công cho biết, cá cơm tươi hiện nay có giá 10 ngàn đồng/kg, còn cá khô 100 ngàn đồng/kg. Với giá đó, thuyền của tui mỗi buổi sáng đánh bắt được hơn 2 tấn cá bán ra hơn 20 triệu đồng. Sau khi chia cho bạn thuyền mỗi người 1,5 triệu đồng, còn phần tui khoảng gần 10 triệu đồng.

"Ở đây mấy ngày ni bà con ai cũng trúng đậm cá cơm. Nhà nhiều lao động đi biển cũng kiếm 5 triệu đồng/ngày, ai cũng phấn khởi vì biển sạch đã sạch trở lại, bà con vui mừng vì có công việc ổn đinh, rồi cá đem ra ngoài chợ cũng bán được rồi eng (anh ) ơi", bà Cúc khoe.

Trao đổi với các phóng viên ông Võ Đông Thi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Công cho biết, sau khi có thông tin ngư dân trúng đậm cá cơm, chúng tôi cử cán bộ đến nắm bắt tình hình và có những thống kê sản lượng bước đầu. Chỉ tính riêng buổi sáng 2017, trên địa bàn xã có khoảng 15 chiếc thuyền đánh bắt cá cơm, ước khoảng 40 tấn cá tươi. Từ đầu giờ chiều cùng ngày, tất cả các thuyền tiếp tục dong thuyền đánh bắt cá cơm.

Cùng thời điểm này tại xã Quảng Ngạn có 10 chiếc làm nghề “bủa xăm”.trên biển, bà con cho biết trong hai ngày nay cũng trúng đậm cá cơm, mỗi buổi sáng bán sau khi đánh bắt cá từ biển vào đều bán cá cho thương lái đang ngồi đợi sẵn ở bãi biến, trừ mọi chi phí thuyền nào lời ít nhất từ 3 đến 5 triệu đồng.

Minh Ngọc Báo Thừa Thiên Huế