TIN THỦY SẢN

Người thợ xây với đam mê cá cảnh

Loài cá đang được thị trường ưa chuộng. Nguồn cakieng.vn MINH HIẾU

Là người làm nghề xây dựng, anh Phạm Văn Sơn (ảnh, 47 tuổi, ở số 2/130 ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM) còn có niềm đam mê nuôi cá cảnh, đặc biệt là cá đĩa.

Anh Sơn nuôi cá cảnh từ những năm 1990, nhưng do công việc xây dựng phải vắng nhà liên tục, không có điều kiện chăm sóc, nên anh tạm nghỉ. Đến năm 2010, thấy nhiều người nuôi cá đĩa phát triển tốt, vì đây là loài cá có màu sắc đẹp, hình dáng bắt mắt, không chiếm nhiều diện tích và công lao động, anh lại “trở về” với cá đĩa.

Nhà nhỏ, anh Sơn khắc phục bằng cách tìm tòi, thiết kế những kiểu hồ “tiết kiệm” diện tích, tận dụng khoảng trống của ban công, khoảng sân nhỏ hẹp trước nhà… để đặt hồ nuôi. Qua tham dự các cuộc hội thảo, chuyên đề về nuôi cá cảnh do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện tổ chức, anh Sơn được chọn là hộ tham gia mô hình trình diễn nuôi cá đĩa thương phẩm do Trạm Khuyến nông huyện triển khai.

Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cá cảnh ở địa phương, nghiêu cứu các hướng dẫn kỹ thuật từ sách báo về chuyên đề nuôi cá cảnh, anh có thêm kiến thức và nhiều cách xử lý hay khi cá bị bệnh hoặc thời tiết thay đổi. Hàng ngày, anh tranh thủ sáng dậy sớm cho cá ăn rồi đi làm, trưa về lại cho ăn và tối thì thay nước. Theo anh Sơn, phải có sự yêu nghề mới có thể “biến đam mê thành hiện thực”, vì nuôi cá cảnh tuy không nặng công nhưng rất cần sự chu đáo và cần mẫn.

Kết quả của quá trình “biến đam mê thành hiện thực” của anh Sơn là nhà anh luôn có gần 1.000 con cá đĩa với nhiều kích cỡ khác nhau, mỗi tháng xuất ra thị trường 200 - 250 con; sau khi trừ chi phí, anh thu được trên 5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản phụ thu thường xuyên và ổn định, giúp anh Sơn được  thỏa mãn đam mê và tăng thu nhập.

MINH HIẾU SGGP