TIN THỦY SẢN

Nông, thủy sản xuất khẩu - nhìn từ phòng kiểm mẫu

Chế biến tôm Thông Thuận Bích Nghị

Hết Nhật Bản lại đến thị trường châu Âu rồi Hàn Quốc đều kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm với chừng mức khác nhau khiến hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu ở Bình Thuận gửi mẫu sản phẩm ồ ạt đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận để kiểm nghiệm…

Sản phẩm tôm đã “tự tin”

Ngay sau thời điểm Nhật Bản công bố quy định dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam vào Nhật không quá 0,01mg/kg (5/2012) thì các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Bình Thuận đang để ngỏ thị trường này, với mặt hàng tôm. Tuy nhiên, từ đó trở đi, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bình Thuận) đã nhận nhiều mẫu tôm gửi kiểm nghiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong 6 tháng cuối của năm 2012, có khoảng 900 mẫu tôm được đưa vào kiểm dư lượng Ethoxyquin thì có gần nửa số mẫu trên có dư lượng Ethoxyquin vượt ngưỡng 0,01mg/kg. Thời điểm ấy, các doanh nghiệp xuất khẩu đã linh hoạt theo hướng những mẫu của lô hàng nào có dư lượng Ethoxyquin dưới ngưỡng thì xuất trực tiếp hay ủy thác vào thị trường Nhật; riêng những mẫu có dư lượng Ethoxyquin cao chọn xuất vào các thị trường khác.

Thực tế, vào tháng 1/2013, Hàn Quốc đã chính thức kiểm tra hàm lượng chất Ethoxyquin tương đương quy định của Nhật Bản. Vì thế, mấy tháng qua, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong tỉnh như:  Công ty TNHH TM Hải Tiến, Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty XNK Bình Thuận, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty TNHH thủy sản Hai wang... gửi mẫu thủy sản, trong đó có nhiều mẫu kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm. Từ đầu năm đến tháng 6/2013, số mẫu thủy sản gửi đến trung tâm kiểm tra gần 1.200 mẫu. Nổi trội là số mẫu kiểm tra dư lượng Ethoxyquin  trong tôm được doanh nghiệp liên hệ kiểm rất nhiều, bình quân 150 mẫu/tháng. Hầu hết các mẫu đều có dư lượng Ethoxyquin dưới 0,01mg/kg, chỉ có 12 mẫu vượt ngưỡng. Từ đó cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp đang giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm tôm từ khâu nguyên liệu cho tới khâu thành phẩm nên dư lượng Ethoxyquin, chất có trong thức ăn (nếu không cho tôm ăn trước khi  thu hoạch thì các chất có trong thức ăn sẽ được thải ra) xuống thấp.

Đánh giá đúng chất lượng sản phẩm

Dù không nhiều bằng mẫu tôm xuất khẩu, các sản phẩm khác như mực, thanh long… cũng được các doanh nghiệp gửi mẫu đến trung tâm kiểm, trước khi xuất hàng đi. Như trong con mực thì kiểm tra xem có dư lượng Chloramphenicol, trái thanh long thì kiểm tra chất kích thích tăng trưởng GA 3 và hàng loạt chất khác như: Deltamethrin, permethrin… hay kiểm tra các chất cấm có trong sản phẩm chế biến từ thủy sản… Theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, từ kết quả kiểm mẫu, các doanh nghiệp tự tin hơn trong xuất hàng vào các thị trường khó tính trên thế giới. Thực tế thời gian qua đã chứng minh điều đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, nhỏ ở tỉnh và một số doanh nghiệp ở các tỉnh khác như: Ninh Thuận, Khánh Hòa đã đem mẫu đến trung tâm để kiểm nghiệm. Không chỉ vì trung tâm được trang bị đầy đủ các thiết bị phân tích vi lượng hiện đại như: máy quang phổ phát xạ Plasma – ICP-OES, máy sắc ký khí GC/MS/ECD/FPD, máy sắc ký lỏng cao áp HPLC, máy sắc ký lỏng đa tứ cực LC/MS/MS… mà còn vì lợi thế khác. So với đi kiểm mẫu tại các trung tâm ở  TP. Hồ Chí Minh như trước đây thì kiểm mẫu tại Phan Thiết được rút ngắn thời gian đi lại, thời gian có kết quả lẫn chi phí thấp và hơn hết đánh giá đúng chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Phòng Thử nghiệm hóa - sinh của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nơi kiểm các mẫu sản phẩm nông, thủy sản đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Đồng thời đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ định là Phòng Thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với mã số LAS-NN 39.

Bích Nghị Báo Bình Thuận