TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh: Thành công từ mô hình rươi - lúa

Ông Vũ Văn Đóa, phường Phương Nam thu hoạch rươi. Việt Hoa

Được coi là “lộc trời” vì con rươi là đối tượng có giá trị lớn, song lại chỉ có thể khai thác tự nhiên, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Thế nhưng hiện nay việc nuôi rươi đã chủ động được, điều này mở ra một cơ hội phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng thành công trong việc sản xuất giống và làm chủ quy trình nuôi rươi nhân tạo của Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc, từ tháng 4 vừa qua Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã thí điểm triển khai mô hình nuôi rươi trên ruộng lúa (gọi là mô hình rươi - lúa hữu cơ) với diện tích 8ha tại phường Phương Nam (TP Uông Bí) và phường Hưng Đạo (TX Đông Triều). Ngoài tận dụng nguồn giống rươi tự nhiên (theo các con nước thủy triều đưa vào ruộng), Trung tâm thả bổ sung 12.000 con giống khỏe mạnh (dạng ấu trùng).

Quá trình nuôi tránh tuyệt đối hóa chất (phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gốc hóa học...) mà chỉ sử dụng chất hữu cơ. Cụ thể, chăm bón lúa bằng phân gà lẫn trấu đã xử lý vi sinh sau ủ 30 ngày; phòng, trị bệnh lúa bằng các thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học; cho rươi ăn vào thời điểm nước kém bằng thức ăn bột cá và cám gạo...

Từ đặc thù sinh học riêng của con rươi và cây lúa, khi cùng canh tác 2 đối tượng này đã bổ trợ cho nhau, trong đó việc cải tạo đất, chăm sóc và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã tạo ra nơi trú ẩn lý tưởng cùng nguồn thức ăn dồi dào cho con rươi phát triển. Ngược lại, con rươi xử lý các chất thải hữu cơ trong đất, nước để tạo ra phân bón hữu cơ giúp cây lúa khỏe mạnh, chống chọi lại dịch bệnh và đạt năng suất, chất lượng cao.

Kết quả, trong 6 tháng triển khai, cả cây lúa và con rươi đều phát triển rất ổn định, trong đó cây lúa kháng bệnh nổi trội, rươi tăng nhanh về kích thước và mật độ (gấp 3 lần phương pháp nuôi tự nhiên). Sau khi thu hoạch lúa với năng suất trung bình mỗi ha canh tác đạt trên 2,5 tấn thóc, người dân thu hoạch các lứa rươi với sản lượng 350-370kg/ha. Chỉ tính riêng doanh thu từ con rươi (giá thu mua tại ruộng 350.000 đồng/kg) đã đạt 120-150 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 70-80 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với mô hình nuôi rươi tự nhiên, cao gấp 3 lần các mô hình canh tác thông thường.


Sau khi vớt lên, rươi được để ráo nước xuất bán cho người thu mua.

Thực tế trong nhiều năm qua, người dân vùng Đông Triều đã triển khai các mô hình nuôi rươi tự nhiên, tận dụng nguồn ấu trùng rươi từ sông vào đồng ruộng qua các con nước thủy triều, đắp bờ tại các bãi bồi ven sông thành các ao, đầm có cống nước ra vào để tạo điều kiện cho rươi sinh trưởng và phát triển. Một số hộ còn kết hợp giữa cấy lúa và nuôi rươi, tuy nhiên năng suất thấp, thường xuyên thất bại khi thời tiết không thuận lợi. Thế nhưng với thành công của mô hình nuôi rươi - lúa hữu cơ, sẽ khắc phục những nhược điểm của cách nuôi rươi tự nhiên nói trên, mở ra hướng triển khai mô hình canh tác rươi - lúa hữu cơ rộng lớn, có tính phát triển ổn định và hiệu quả kinh tế cao.

Theo khảo sát sơ bộ của Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh đang có đến trên 460ha đất canh tác ven sông phù hợp với việc nuôi rươi. Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Đến thời điểm này, chúng ta đã làm chủ công nghệ sản xuất giống rươi, quy trình nuôi rươi nhân tạo, chủ động bổ sung giống, thức ăn và quản lý môi trường khu vực nuôi, xử lý tốt những xung đột phát sinh trong quá trình nuôi kết hợp giữa rươi và lúa như khi tăng độ mặn bất thường, khi lấy nước, cày bừa, cải tạo đất, thả rươi, chăm sóc rươi và lúa, phòng, trị dịch bệnh... điều mà với mô hình nuôi rươi tự nhiên trước đây thường bị động, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên.

Việc triển khai mô hình nuôi rươi - lúa hữu cơ nói trên hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Trong đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp sản phẩm rươi có chất lượng cao, đảm bảo VSATTP và tạo sản phẩm gạo hữu cơ; góp phần bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi rươi đặc hữu của Quảng Ninh. Đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất mặt nước, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đầu tư, từ đó thu nhập của người dân được nâng cao, đặc biệt là những người dân ở vùng triều và các vùng nước lợ cửa sông. 

Việt Hoa Báo Quảng Ninh