TIN THỦY SẢN

Rau câu khởi đầu mùa cá

Rau câu được người dân khai thác trên biển Hải Dương L. Thọ

Từ ghềnh đá vùng biển xã Hải Dương (TX. Hương Trà) phóng tầm mắt về phía mặt nước, những phụ nữ liên tục ngụp lặn với nghề hái rau câu mùa nước rặc. Và họ bảo, loại thủy sinh này là dấu hiệu khởi đầu cho mùa cá.

Nhắc đến rau câu (rong câu), nhiều người nghĩ đến vùng đầm phá nước lợ với nghề chính vớt rau của nhiều phụ nữ quanh đầm. Thế nhưng trên các ghềnh đá bên cửa biển, loại rau này trở thành “cứu cánh” cho những phụ nữ nghèo.


Không biết từ lúc nào, rau câu trở thành nghề của những phụ nữ nghèo nơi vùng biển vào mỗi độ hè đến. Họ tìm loại rau dưới kẽ đá. Nhiều năm đi hái rau, bàn chân của bà Đào Thị Liền (thôn 2, Hải Dương) dường như đã chai sạn. Mùa này, cứ tờ mờ sáng, bà xách chiếc vợt lân la khắp mặt nước, bên ghềnh đá mò mẫm, loi ngoi tìm rau.


Hái rau câu bên ghềnh đá ngó thì dễ nhưng kiếm được chục cân mỗi ngày quả là gian nan. Những người như bà Liền tranh thủ con nước rặc, đi từ sáng sớm đến đứng bóng. Giữa cái nắng đổ lửa, họ ngập mình giữa biển cả mênh mông. Có người dùng tay để hái, có người còn mang theo cả dụng cụ. Khi nguồn rau hai bên bờ dần kiệt, họ phải đi xa hơn thường lệ.


Vất vả, nhưng những người hái rau câu đều là phụ nữ, và không phải ai cũng làm được ngoài những người siêng năng, chịu khó. Mỗi ngày đi hái, họ kiếm được khoảng 150.000 đồng. Số tiền không lớn nhưng đủ để chợ búa qua ngày.


Theo người dân, mùa hái rau câu cũng khởi đầu mùa cá rò

“Đến mùa nghề ni chỉ dân nghèo như tụi tui đi làm chứ ít người làm lắm. Mỗi ngày ngụp lặn dưới nước kiếm được cỡ 5-7 cân, mỗi cân bán khoảng 20-30.000 đồng. Hái rau câu dù đơn giản nhưng phải đi bộ suốt. Và chỉ hái khi nước rặc, còn lúc thủy triều lên, nước cao thì không hái được”, bà Liền bày tỏ.

Rau câu xuất hiện từ tháng giêng đến cuối tháng 4 âm lịch, nghề hái rau câu phụ thuộc vào con nước. Thủy triều xuống rau câu bám trên các mỏm đá, người hái dễ dàng tìm thấy nhưng khi nước lên họ phải dò dẫm, căng mắt tìm rau, người có kinh nghiệm mới có thể phân biệt. Và đôi khi lang thang trên các thác ghềnh đá, trơn trượt là điều không tránh khỏi, để phòng ngừa có người trang bị cho mình găng tay, găng chân. Đến mùa con nước lớn, những phụ nữ nghèo hái rau dần mất dạng trên mặt nước .

Ngày trước, rau câu dân dã nhưng nay, nhu cầu thị trường ngày một lớn, người dân ưa chuộng nên loại rau này càng có giá. Nếu như rau câu ở các địa phương như, Phú Diên, Phú An (Phú Vang) được người dân thu hoạch đại trà, số lượng lớn nhập cho thương lái thì ở các ghềnh đá vùng biển, người dân không dễ kiếm tìm.

“Ở mặt nước đầm phá họ khai thác loại rau ni nhiều, và lẫn cả những loại thủy sinh khác, thậm chí rác nên giá khá rẻ. Tụi tui hái rau thủ công nên chọn lọc kỹ lưỡng. Loại chi cần hái thì hái nên giá thường cao hơn nhiều so với rau câu ở những nơi khác”, bà Liền nói.

Theo người dân, rau câu hay các loài thủy sinh khác xuất hiện thường dấu hiệu khởi đầu cho mùa cá, đến mùa nước lớn, rau nằm sâu dưới mặt nước và khắp mặt nước các vùng cửa biển sắp bước vào mùa cá rò, loại cá mang lại thu nhập khá cho nhiều ngư dân ở xã Hải Dương, thị trấn Thuận An.

Bà Liền chia sẻ: “Mấy bữa ni tranh thủ đi hái, nếu không đến khi cá rò vào, rau câu không còn nữa. Khi thủy triều lên, rau nằm sâu dưới mặt nước, đó là thức ăn ưa thích của cá rò. Có năm rau câu nhiều người dân trúng đậm mùa cá rò”.

Thời điểm này, ở các vùng biển như, Thuận An (Phú Vang), Vinh Hiền, Lộc Vĩnh (Phú Lộc), nhiều người dân nghèo vẫn hàng ngày mò mẫm khai thác những loài thủy sinh để bữa cơm thêm vị mặn. Không chỉ cá rò sắp sửa dạt vào vùng biển Hải Dương, Thuận An mà những lúc sóng êm biển lặng, ngư dân các vùng càng thêm phấn khởi. Rồi có thế những mùa rùng (kéo lưới rồng), mùa dạ khắp vùng chân sóng huyện Phú Lộc.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh bảo, những loài thủy sinh không chỉ đóng vai trò cân bằng sinh thái, nhiều loài là nguồn thức ăn dẫn dụ thủy sản dạt vào vùng ven bờ. Rau câu ở các vùng cửa biển cũng như thế, đó là thức ăn ưa thích của các loài cá, nhất là cá rò. Và lúc này cũng là thời điểm bắt đầu những mùa cá.

Nói như ông Giang, những đám rau câu loi ngoi trên rạn đá không chỉ giúp những phụ nữ nghèo kiếm thêm thu nhập mà ngư dân khấp khởi mừng vui khi vào mùa đánh bắt ở những vùng biển lộng.

L. Thọ Báo Thừa Thiên Huế