TIN THỦY SẢN

Sản xuất và kinh doanh cá tra: Muốn phát triển, cần tái cơ cấu

Sáu Nghệ

Những khó khăn của ngành sản xuất và kinh doanh cá tra hiện nay, dường như đang hợp quy luật phát triển, sau thời kỳ tăng trưởng nhanh đến lúc phải tái cơ cấu. Cho nên, khó khăn cũng có thể là cơ hội.

Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An chủ động tái cơ cấu nợ, được ngân hàng hỗ trợ, đã vượt qua khủng hoảng, trở lại hoạt động ngày 9/5/2012 - Ảnh: Lê  Hoàng Vũ

Tăng trưởng

Báo cáo ngày 16/5 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ trong 12 năm từ 2001 đến 2011, ngành sản xuất cá tra tăng trưởng cao trên tất cả các mặt. Diện tích nuôi tăng 5 lần, từ 1.200 ha lên 6.000 ha. Sản lượng tăng 36 lần, từ 37.500 tấn lên 1.350.000 tấn. Sản lượng thành phẩm xuất khẩu tăng gần 40 lần, từ 17.000 tấn lên 660.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 45 lần, từ 40 triệu USD lên 1.865 triệu USD. Thị trường xuất khẩu từ chỉ vài nước ở châu Á lên 136 nước và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục.

Đặc biệt, năng suất nuôi có nơi đạt tới 500 tấn/ha mặt nước, theo Tổng cục Thủy sản, một mức mà chưa có bất cứ loại cá nào đạt được. Số lượng sản phẩm chế biến từ cá tra cũng đạt mức kỷ lục, hàng trăm loại từ đông lạnh đến ăn ngay.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, hiện có 136 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, gồm 64 doanh nghiệp có nhà máy chế biến, còn lại là thương mại. Đã hình thành 5 tập đoàn, mỗi tập đoàn có từ 2 công ty trở lên, chiếm 34% sản lượng xuất khẩu. 10 công ty có mức sản xuất mỗi công ty trên 100 tấn nguyên liệu/ngày, chiếm 25% sản lượng xuất khẩu. Nhưng cũng có 20 công ty mà mức sản xuất của mỗi công ty chỉ dưới 30 tấn nguyên liệu/ngày, chiếm 8% sản lượng.

Về nuôi trồng, các doanh nghiệp có vùng nuôi chiếm khoảng 50% sản lượng nguyên liệu. Hộ nuôi quy mô lớn chiếm 20% và người nuôi nhỏ lẻ chiếm 30% sản lượng còn lại.

Lao đao

Những con số cho thấy đã có sự phân hóa mạnh trong các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nuôi trồng. Khả năng cạnh tranh chênh lệch, sự liên kết lỏng lẻo vì thiếu mục tiêu chung, mỗi doanh nghiệp chỉ lo lợi ích cục bộ, dẫn tới sự nhiễu loạn tất yếu trong chuỗi cung ứng sản phẩm, từ trong nước ra nước ngoài. Những từ “cạnh tranh không lành mạnh”, “phá giá”, thậm chí là “chơi xấu” liên tục vang lên trong những năm qua nhưng không được khắc phục.

Tình hình thêm trầm trọng khi tín dụng thắt chặt, cả ngành sản xuất kinh doanh cá tra thiếu vốn. Bươn chải thị trường, một số doanh nghiệp lớn mạnh, tuy nhiên vẫn chưa có khả năng tự lo được nhu cầu vốn quá lớn. Lại liên kết yếu kém, những năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn phải phát triển vùng nuôi, nên nhu cầu vốn càng lớn. Theo lãnh đạo VASEP, doanh nghiệp khá nhất cũng chỉ lo được 1/3 vốn cho hoạt động, còn lại phải vay ngân hàng. Các ngân hàng đột ngột rút vốn, như “bóp mũi doanh nghiệp”, lãi suất lại lên cao thì đồng nghĩa với “làm chỉ nuôi ngân hàng”.

Đánh giá của VASEP về tình hình hiện nay “toàn bộ chuỗi sản xuất bị thu hẹp và đình đốn, giá giảm, bị đối tác mua hàng ép giá mạnh”. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà doanh nghiệp lớn cũng lao đao, nuôi và chế biến đều lao đao, nguy cơ “doanh nghiệp đóng cửa sẽ làm sụp đổ cả chuỗi sản xuất theo dây chuyền”.

Tái cơ cấu

Ngành sản xuất và kinh doanh cá tra cần được tiếp vốn để trở lại hoạt động bình thường và quan trọng hơn, cần tái cơ cấu để phát triển ổn định. Cho nên, sáng 16/5, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cùng đại diện 40 doanh nghiệp “tọa đàm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra” là việc làm đáp ứng mong đợi.

Phó Tổng giám đốc VDB Trần Phú Minh cho biết: “Trước mắt trong năm 2012, VDB sẽ cho vay bổ sung thêm 2.000 – 3.000 tỷ đồng”. Chưa được như đề xuất của Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nhưng cũng lóe được tia hy vọng. Đề xuất của ông Dũng, khoảng 15.000 tỷ đồng trong 3 quý cuối năm 2012, để hỗ trợ nuôi, chế biến xuất khẩu khoảng 400.000 tấn cá tra nguyên liệu trong tổng số khoảng 800.000 tấn của kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, quyết định còn phụ thuộc sự chủ động của doanh nghiệp. Tổng giám đốc VDB Nguyễn Quang Dũng nói, các doanh nghiệp phải chủ động “rà soát đánh giá lại tình trạng doanh nghiệp và đề xuất phương hướng cụ thể”. Ông Dũng nêu điển hình Công ty CP Thủy sản Bình An, gặp khủng hoảng nợ đã chủ động cơ cấu lại và có thị trường, có thương hiệu tốt nên ngân hàng “áp sát hỗ trợ tháo gỡ khó khăn”.

Về lâu dài, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa VASEP và VDB nói riêng cũng như các ngân hàng khác nói chung, để tái cơ cấu ngành sản xuất và kinh doanh cá tra, theo hướng tăng sản phẩm giá trị gia tăng. Đặc biệt, tái cơ cấu với mục đích rõ ràng: Xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.

>> Mọi hoạt động đều phải nhằm mục đích tăng giá trị cho cá tra, từ quản trị doanh nghiệp đến tổ chức Hiệp hội Cá tra ĐBSCL, từ xây dựng các mối liên kết đến phát triển thị trường. Và phải có hệ thống pháp luật thúc đẩy và bảo vệ quá trình tái cơ cấu đó.

Sáu Nghệ thuysanvietnam.com.vn