Sống nhờ “bọt biển”
Vào những ngày này, người dân xã Trung Giang (Gio Linh, Quảng Trị) đang bước vào vụ khai thác sứa biển. Phần lớn ngư dân trong xã tạm thời chuyển từ nghề cào nghêu, đánh bắt ven bờ sang đánh bắt sứa vì có thu nhập khá hơn.
Theo chu kỳ, hàng năm, sứa từ ngoài khơi thường “đổ bờ” từ giữa tháng ba đến trung tuần tháng năm (âm lịch). Năm nay, mùa sứa về sớm hơn, từ đầu tháng 2 (âm lịch), lại kéo dài. Theo dự đoán của các lão ngư, phải vài ba tháng nữa mới hết mùa sứa...
Anh Nguyễn Văn Hiền, một trong những ngư dân đầu tiên khai thác sứa ở xã Trung Giang cho biết: “Năm nay sứa về sớm, mùa lại kéo dài, lại có người tới thu mua tại chỗ nên ngư dân phấn khởi hơn”.
Việc đánh bắt sứa biển đã không còn xa lạ đối với người dân nơi đây và đang dần trở thành một nghề mới thu hút hàng trăm ngư dân tham gia. Dọc theo các tuyến đường từ thị trấn Cửa Việt ra Cửa Tùng, trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều hàng ngày có hàng chục thuyền, ghe nhỏ của ngư dân đánh bắt sứa trở về.
Việc khai thác sứa biển khá đơn giản, không cần đầu tư lớn mà người dân chỉ cần dùng thuyền hay ghe nhỏ cùng với lưới chim bắt sứa. Từ 4 đến 5 giờ sáng, các ngư dân chuẩn bị ra khơi bắt sứa biển, mỗi thuyền, ghe đi một ngày có thể được 3 chuyến nếu số lượng sứa nhiều, ít ra thì một đến hai chuyến, cho thu nhập từ bảy trăm ngàn đồng đến một triệu đồng.\
Trước đây, sứa biển ít được ngư dân đánh bắt vì không ai mua, nhưng những năm gần đây sứa biển lại là mặt hàng bán khá chạy. Theo chị Lê Thị Nồng, thôn 9, xã Trung Giang thì trước đây, khi ngư dân đem những con sứa tươi ngon từ ngoài khơi vào, họ chỉ bán lẻ cho những người đi đường, tuy giá khá cao nhưng khách hàng lại không đều, có lúc bán không hết cũng chẳng biết phải làm gì. Hai năm trở lại đây, sứa được các cơ sở kinh doanh ở thị trấn Cửa Việt đặt hàng với số lượng lớn. Sứa biển được ngư dân khai thác xong tập kết về các điểm thu mua tại các trục đường gần bãi biển để cho lên xe chở về các cơ sở chế biến thành nguyên liệu thô (sứa ướp muối) và được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Nhờ các cơ sở này, sứa biển đã trở thành mặt hàng góp phần tăng thêm thu nhập cho ngư dân.
Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề tiêu thụ, chị Lê Thị Liên, một người chuyên khai thác sứa ở Trung Giang chia sẻ: “Hiện các cơ sở thu mua, chế biến sứa đều do tư nhân đảm nhận, nếu đánh bắt với lượng lớn thì cung sẽ lớn hơn cầu và giá cả tùy thuộc vào người thu mua, gây bất lợi cho ngư dân. Nhà nước cần quan tâm trong công tác quản lý thị trường thu mua, chế biến, quảng bá sản phẩm sứa để thu hút khách hàng, giúp người khai thác sứa có thêm thu nhập”.