TIN THỦY SẢN

Tảo hấp thụ nitơ trong ao nuôi

Tảo có thể được sử dụng để hấp thụ phần lớn nitơ từ chất thải rắn và lỏng. Ảnh: technion.ac.il Ngọc Diễm

Gần đây, một nghiên cứu mới cho thấy rằng tảo có thể được sử dụng để hấp thụ phần lớn nitơ từ chất thải rắn và lỏng trong các hệ thống nuôi RAS.

Nito tác động đến ao nuôi như thế nào ?  

Sự tích lũy các hợp chất nitơ vô cơ (nhất là NH3) luôn là mối lo ngại lớn đối với người nuôi thủy sản, nguyên nhân chính đến từ phần thức ăn dư thừa, bởi tôm cá chỉ hấp thụ 20-30% lượng thức ăn. Khoảng một nữa lượng protein đưa vào ao cuối cùng sẽ chuyển hóa thành ammonia. 

Đa phần ammonia sẽ được hấp thụ bởi tảo, nếu ao nuôi được quản lí tốt. Nhưng trong các ao nuôi thương phẩm hiện nay, phần ammonia bị tích tụ trong ao nhiều hơn là bị tảo hấp thu. Lượng ammonia dư thừa này trở thành thức ăn cho vi khuẩn cố định đạm thực hiện quá trình nitrat hóa dẫn đến tích lũy chất độc nitrit (NO2) trong ao. 

Bổ sung carbon (rỉ đường) là một cách hiệu quả hiện nay để trung hòa hàm lượng nito trong ao. Vi khuẩn dị dưỡng sẽ hấp thụ nito và carbon để tổng hợp protein cho việc kiến tạo tế bào mới. 

Tảo hấp thụ nito trong hệ thống nuôi tôm RAS 

Trong hệ thống RAS, nước thải được xử lý và một phần nước thải được tái lưu thông qua hệ thống nuôi. Trước đây đã từng có một vài nghiên cứu đã khám phá tiềm năng nuôi cấy tảo để xử lý nước thải của hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn RAS. Theo đó, các chất dinh dưỡng đặc biệt là NH4 và PO4 đã được hấp thu bởi tảo. Có thể loại bỏ chất dinh dưỡng của bùn thải nuôi cá hiệu quả bằng nuôi cấy tảo kết hợp trong sản xuất cá rô phi (Ansari et al. 2017), cá bơn (Guo et al. 2013) và cá da trơn (Nasir et al. 2015). Điều này chỉ ra rằng tảo có thể được sử dụng trong xử lý một số loại nước thải từ nuôi trồng thủy sản.

Tảo được chứng minh hấp thụ 80% nito dư thừa trong RAS tôm. Ảnh: Aquaculture.vn 

Trong một nghiên cứu đánh giá việc sử dụng, chuyển đổi, biến đổi và tích lũy nitơ đầu vào trong hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) (RAS) của nhóm nhà khoa học do Giáo sư Sun Jianming từ Viện Đại dương học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (IOCAS) dẫn đầu đã đánh dấu bước tiến thành công trong việc ứng dụng một công nghệ xử lý nước được gọi là đông tụ điện để cải thiện hiệu suất của tôm thẻ trong hệ thống nuôi RAS. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kỹ thuật Quy trình Nước vào ngày 26 tháng 10.  

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã sử dụng hệ thống nuôi tảo Chlorella vulgaris để tái chế nitơ thải ra trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, và tỷ lệ hấp thụ nitơ là hơn 80%. Việc sử dụng vi tảo để thu hồi nitơ từ nước thải nuôi trồng thủy sản không chỉ cải thiện sử dụng tài nguyên mà còn bảo vệ môi trường. 

Xu Jianping, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu một cách có hệ thống quy luật chuyển đổi của nitơ trong RAS, đồng thời xây dựng chiến lược thu hồi nitơ, điều này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển xanh và lành mạnh của ngành nuôi trồng thủy sản 

Các kết quả đã giải thích một cách toàn diện các đặc tính dòng chảy của nitơ trong RAS quy mô lớn và cung cấp dữ liệu hỗ trợ để hiểu toàn diện về RAS và cải tiến có mục tiêu thiết bị xử lý nước", Giáo sư Sun, cho biết thêm.  

Ngọc Diễm