Thả giống thực hiện mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc
Thực hiện Chương trình Khuyến nông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai mô hình Nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trên ao nuôi diện tích 1.000 m2 của ông Phạm Xuân Phương, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định
Tham gia mô hình, ông Phương được hỗ trợ 50% chi phí về con giống, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Bên cạnh đó còn được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi từ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông.
Ngày 24 tháng 4 năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành cấp phát và thả 200.000 con giống tôm thẻ chân trắng PL12 khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều (≥ 9 mm/con), có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và giấy chứng nhận chất lượng theo quy định. Ban đầu, tôm giống sẽ được thả ương trong ao có diện tích 200 m2, dự kiến sau khoảng 1 tháng khi tôm đạt kích cỡ 600 – 800 con/kg sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm với diện tích 1.000 m2.
Trong lúc thả tôm giống vào ao ương, ông Phương cho biết, tuy đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm nhưng đây mới là lần đầu tiên tiếp cận với công nghệ nuôi tôm mới. Lúc đầu có hơi băn khoăn, tuy nhiên nhờ được tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn tiếp nhận triển khai thực hiện mô hình. Hi vọng đây sẽ là khởi đầu cho việc chuyển đổi từ cách nuôi cũ sang cách nuôi mới theo công nghệ cao, đảm bảo năng suất, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế.
Semi – Biofloc là công nghệ nuôi mới, nếu áp dụng tốt vào nuôi tôm thương phẩm thì có thể giảm được dịch bệnh, hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh trong mỗi vụ nuôi. Qua đó, người nuôi giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, giúp nâng cao được giá thành sản phầm và hiệu quả kinh tế, thu nhập tăng hơn đáng kể so với trước đây.
Để mô hình triển khai đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát, lựa chọn hộ nuôi trên cơ sở đáp ứng đầy đủ về các yêu cầu kỹ thuật về hệ thống ao nuôi, tinh thần tự nguyện tham gia, có khả năng đáp ứng vốn đối ứng kịp thời, đúng tiến độ và đặc biệt có kinh nghiệm trong việc nuôi tôm thương phẩm. Đồng thời, người nuôi phải tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân khác có nhu cầu tham quan và học hỏi.
Được biết năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình Nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc với quy mô 1.000 m2/điểm trình diễn tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tuy Phước nhằm chuyển giao công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm cho người nuôi trong tỉnh. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi tôm giống sau khi thả ương; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật giữa vụ cho hộ tham gia mô hình và các hộ nuôi khu vực lân cận để giới thiệu rộng rãi về mô hình.