TIN THỦY SẢN

Thú vị nghề mua bán thủy hải sản ở biển - Bài 2: Một nghề đặc thù của xứ biển

Giữ lạnh tôm thẻ chân trắng sau khi thu mua tại ao. Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chủ trương phát triển ngành kinh tế biển của tỉnh ở ba huyện biển (Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú) đã ngày càng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân nơi đây. Theo đó, nghề mua bán thủy hải sản cũng ngày càng nở rộ. Nhất là tại các xã ven biển, nghề này rất quan trọng trong nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

Gian nan phải trì chí

Anh Phạm Văn Triều - Chủ cơ sở thu mua tôm tại xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) nói: Phải trì chí đến chuyến giao hàng thứ 6, anh mới có lời…

Lúc đầu, việc mua bán với doanh nghiệp rất bấp bênh. Hàng của tôi bị các doanh nghiệp chèn ép. Bản thân tôi quyết phải chịu khó, thậm chí là chịu lỗ đến 4-5 chuyến. Đến khi tạo được niềm tin, uy tín với công ty, lúc này việc giao nhận hàng hóa mới diễn ra suôn sẻ. Xây dựng được hợp đồng đã khó, duy trì các hợp đồng càng khó hơn. Tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của hợp đồng, như về chất lượng sản phẩm, số lượng và thời gian cung ứng. Trong quan hệ mua bán, một trong những điều quan trọng nhất là niềm tin của đối tác. Điển hình là việc phân loại cỡ tôm. Cỡ chênh lệch nhiều thì giá chênh lệch càng cao. Nếu ai đó hám lợi mà trộn các cỡ tôm nhỏ hơn để bán được giá cao, lời nhiều thì quan hệ với đối tác sẽ chấm dứt. Ở xã Thạnh Phong đã có thương lái vì hám lợi, tiêm tạp chất vào con tôm, doanh nghiệp phát hiện đã lập tức hủy hợp đồng và việc giao dịch cả lô hàng mấy tấn tôm bị thất bại. Khi đã hợp đồng, dù khó khăn đến đâu, tôi cũng phải huy động số lượng đúng theo hợp đồng. Nếu độ lạnh không đủ, con tôm bị sút đầu, chất lượng giảm thì lô hàng đó sẽ bị trả về. Vì vậy, đối với người mua bán thủy hải sản, việc bảo quản chất lượng hàng hóa là quyết định sống còn của nghề. 

Làm chủ cơ sở mua tôm như tôi không chỉ có chiều chuộng các doanh nghiệp mà còn phải tạo quan hệ rộng rãi, thân tín với nông dân. Nếu không hợp tác tốt thì những chuyến thu hoạch sau, các chủ ao sẽ chuyển sang giao thương với những lái mối khác. Dù ao được thu hoạch sớm hay tối, hoặc giữa khuya, vợ chồng tôi vẫn phải xuống ao để thu mua hết. Không vì giá rẻ, nông dân đang gặp khó khăn hay vì mình thua lỗ mà chèn ép nông dân. Mình có chia sẻ, gắn bó với nông dân thì bà con mới tin tưởng và hợp tác làm ăn với mình.

Bùng phát dịch vụ ẩm thực thủy sản tại Cồn Bửng

Điểm du lịch biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) phát triển nhanh đã mở ra cơ hội việc làm mới cho hàng trăm người phục vụ ẩm thực thủy sản tại chỗ.

Anh Ba Tre - chủ quán Dương Cao và anh Bé Năm - chủ bãi tắm Tây Đô là những người đầu tiên khởi xướng điểm phục vụ ẩm thực tại biển cồn Bửng. Đầu năm 2013, các anh đã đầu tư bến bãi và sẵn sàng phục vụ khách có nhu cầu ăn uống, tắm nước ngọt tại bãi biển. 


Những gian hàng phục vụ thủy hải sản mọc lên nối dài bờ biển Cồn Bửng.

Phục vụ ẩm thực với giá rẻ, dân dã nhưng chất lượng cũng là chủ trương của anh Bé Năm ngay từ những ngày đầu đón khách. Mỗi món đều có ghi mức giá. Hải sản qua chế biến mang lên dùng tại chỗ nhưng giá vẫn được tính theo kilogam và chủ quán chỉ tính tiền công chế biến, phục vụ là vài ngàn đồng/món.

Chỉ vài tuần sau, lượng khách trong và ngoài tỉnh tìm đến biển tấp nập vào những ngày cuối tuần, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, không còn điểm đỗ xe, các điểm phục vụ quá tải. Từ đó, dịch vụ phục vụ ẩm thực đã thực sự bùng phát dọc theo bãi biển để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của du khách. Nhà cửa hai bên đường đua nhau mọc chen chúc, khang trang hơn xưa. Các điểm phục vụ hải sản tươi sống cũng đã từng lúc xuất hiện, với quy mô khác nhau. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu mang về của các đoàn khách lớn, chủ các cơ sở này đã tập kết thêm hàng hóa từ các huyện biển Ba Tri và Bình Đại.


Vui chơi và thưởng thức thủy hải sản tại bãi biển Cồn Bửng, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Quán Dương Cao của anh Ba Tre phục vụ chủ yếu là khách tham quan đến từ các trường học, ban ngành trong tỉnh. Vào những ngày cuối tuần, lễ, tết lượng thủy hải sản phục vụ ẩm thực cho khách tại quán phải tính bằng đơn vị tấn. Dù là quán nhưng hầu như du khách đến đây đều rất hài lòng bởi cảm giác thân thiện, gần gũi và được phục vụ tận tình. Nhâm nhi vài ly rượu ấm áp với dĩa nghêu, sò, tôm hấp dẫn, khách được chủ quán khuyến mãi cho vài đĩa dưa hấu biển và được nghe kể về đặc điểm của đất và con người nơi đây.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc Báo Đồng Khởi, 28/10/2013