Thừa Thiên Huế: Cá rô phi đen cắn phá lúa
Nhiều diện tích lúa trên địa bàn thị xã Hương Thủy bị cá rô phi đen cắn phá, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) nan giải: “Từ 3 năm nay, cá rô phi đen ở các kênh mương, sông hói trên địa bàn sinh sôi rất nhanh, tràn vào các đồng ruộng. Cứ bước vào vụ gieo cấy, người dân lại lo cá rô phi cắn phá lúa, nhất là vào thời kỳ bắt đầu nảy mầm, mọc lá non. 6 sào lúa vụ đông xuân 2018-2019 này của gia đình tui bị cá rô phi cắn phá hư hỏng nặng, một số diện tích phải gieo cấy lại, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. “Sức tàn phá” của loài cá này còn hơn cá ốc bươu vàng và chuột. Qua “thăm đồng” ước năng suất lúa vụ này của tui chỉ đạt 53-54 tạ/ha, so với trước đây thường 60-65 tạ/ha”.
Theo ông Tuấn, lo ngại trước tình trạng cá rô phi cắn phá lúa, người dân tổ chức nhiều đợt ra quân đánh bắt trên các hệ thống kênh mương, sông hói. Mỗi đợt người dân đánh bắt hàng tấn cá rô phi , đưa đi chôn hủy hoặc bán cho các hộ chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên do số lượng cá quá lớn nên không thể đánh bắt triệt để, trong khi loại cá này lại sinh sản rất nhanh. Trước khi bước vào mùa vụ, người dân tổ chức tháo nước trong hệ thống kênh mương để phơi khô diệt cá, nhưng chỉ cần một trận mưa thì nước lại ngập, cá lại tràn vào đồng ruộng với số lượng rất lớn. Mới đây trên diện tích 3 ha mô hình sản xuất lúa giống tại địa phương, người dân đánh bắt hơn 2 tấn cá rô phi đen.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Thủy Tân, ông Nguyễn Quang Hồng thông tin, cá rô phi đen được người dân địa phương nuôi thương phẩm cách đây hơn 15 năm. Do chất lượng sản phẩm thấp, bán không ai mua, giá lại thấp nên chừng 10 năm trở lại đây người dân không còn nuôi loại cá này. Có thể do người dân không bán được đã thả cá ra các sông hói, ngày càng sinh sôi. Chừng 3 năm trở lại đây, lượng cá rô phi đen phát triển rất mạnh, dày đặc trên các sông hói, ao hồ, kênh mương thủy lợi.
Đặc điểm của loại cá rô phi này ngoài khả năng sinh sản rất nhanh còn sinh trưởng tốt trong môi trường nước nhiệt độ cao đến 35-40oC. Bình quân mỗi con có trọng lượng khoảng 0,2-0,3 kg, nhiều con từ 0,5 đến hơn 1 kg.
Cá rô phi đen
Đặc thù xã Thủy Tân cũng như một số địa phương trên địa bàn TX. Hương Thủy có nhiều sông, hói, ô bàu nước ngọt với sự xuất hiện nhiều loài cá, trong đó có cá rô phi đen. Hằng năm vào vụ đông xuân, HTX tổ chức đấu úng để gieo cấy lúa; quá trình đấu úng người dân tổ chức đánh bắt cá rô phi phòng trừ việc cắn phá mùa màng. Tuy nhiên sau khi gieo cấy thường gặp mưa, như vụ đông-xuân 2018-2019 này mưa liên tục, kéo dài, nước từ các sông, hói, kênh mương tràn qua bờ thửa mang theo một lượng cá rô phi rất lớn vào đồng ruộng. Khi lúa gieo sạ bắt đầu nảy mầm, mọc 1-2 lá non liền bị cá rô phi đen cắn phá. Vụ lúa đông - xuân này, toàn HTX Thủy Tân có đến 25 ha lúa bị cá rô phi đen phá hoại làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Cá rô phi đen thường chỉ cắn phá (ăn) lá non nên chỉ lo trong giai đoạn đầu vụ sau khi gieo cấy lúa. Lúa sinh trưởng chừng một tháng trở đi thì không còn lo cá phá hoại. Vì vậy thường trước khi bước vào gieo cấy lúa, người dân huy động máy bơm dầu tháo hết nước trong các kênh mương, phơi khô từ 5-7 ngày để cá chết mới đưa nước vào lại phục vụ tưới. Tuy nhiên giải pháp này chủ yếu vào vụ hè - thu, còn vụ đông - xuân thường gặp mưa kéo dài từ đầu vụ nên nước thường bị ngập lại ngay sau khi tháo khô.
Ngoài biện pháp tháo nước phơi khô kênh mương, ao hồ, các hói nước, đánh bắt cá đem chôn hủy hoặc chế biến thức ăn chăn nuôi thì đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý một cách hữu hiệu, triệt để. “Ngoài các giải pháp trên sẽ được duy trì triển khai thường xuyên, tích cực, HTX mong các cơ quan chức năng nghiên cứu, hiến kế các biện pháp hiệu quả trong việc xử lý cá rô phi đen nhằm bảo vệ mùa màng, mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân”, ông Nguyễn Quang Hồng kiến nghị.
Ngoài Thủy Tân, tại một số địa phương như xã Thủy Phù, Thủy Lương, Thủy Thanh… cũng bị cá rô phi đen phá hoại lúa nhưng mức độ thấp hơn. Thường các vụ lúa hằng năm, xã Thủy Tân bị thiệt hại từ 25-30 ha/vụ thì các xã còn lại bị cá rô phi cắn phá từ 3-5 ha. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc HTXNN Thủy Phương với tốc độ sinh trưởng của cá rô phi rất nhanh thì nguy cơ diện tích lúa trong các vụ sau bị phá hoại sẽ tăng nếu không có biện pháp xử lý, bảo vệ lúa một cách hiệu quả.