TIN THỦY SẢN

Thủy sản Việt có nguy cơ bị cấm xuất khẩu vào EU

Ngư dân đưa cá lên cảng. Anh Thơ

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), nếu không cấp bách triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại trong khai thác thủy sản, nếu kết quả kiểm tra lần tới của Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Vẫn "trên nóng dưới lạnh"

Trước hết, phải khẳng định, khi EC rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam do hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), chúng ta đã vào cuộc hết quyết liệt với những giải pháp đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài.

Chúng ta đã thông qua Luật Thủy sản 2017, đây được đánh giá là bộ luật tương đối toàn diện, có tham chiếu ý kiến của châu Âu để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc triển khai ngành thủy sản theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08.3.2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản cũng đã được ban hành. Hiện đang hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ký ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 2 chỉ thị, 3 công điện, 2 quyết định nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu tàu và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Bộ NNPTNT cũng ban hành 6 quyết định, 11 công văn, 8 thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề trên. Ngoài ra Bộ NNPTNT, các địa phương cũng đẩy mạnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức của ngư dân, chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát tàu cá. Nhờ đó, từ đầu năm 2018 đến nay, chưa phát hiện vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại các quốc đảo Thái Bình Dương

Ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), việc thực thi 4 khuyến nghị này đang gặp nhiều khó khăn do tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm thậm chí không giảm mà còn có xu hướng tăng.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong năm 2018, đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu và 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia…; các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận...

“Điều đáng lo ngại là, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, với 16 vụ, 26 tàu và 96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nguyên nhân là do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm; hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý để xử lý các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu” – ông Hùng nói.

Vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng là một hạn chế trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC hiện nay. Theo ông Hùng, hầu hết hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, phần lớn các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản không truy xuất được dữ liệu tàu cá cập cảng và sản lượng bốc dỡ từ sổ cái; khối lượng xác nhận nguyên liệu không khớp với nhật kí khai thác và biên bản kiểm soát tàu cá cập cảng. Vẫn còn trên 78% số tàu chưa thực hiện việc nộp nhật ký; 100% tàu được kiểm tra chưa nộp báo cáo khai thác theo quy định. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc còn 13 lô hàng xuất vào thị trường EC bị tạm dừng thông quan để xác minh, kiểm tra thông tin (chiếm 0,03%).

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU (cuối tháng 5, đầu tháng 6) nhưng cho đến thời điểm này, mọi việc vẫn vô cùng bề bộn. “Nếu không cấp bách triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại trên, nếu kết quả kiểm tra lần tới của DG-Mare không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”” – ông Hùng lo ngại.

Tăng xử phạt để răn đe

Đó là đề nghị của nhiều địa phương trước thực trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài không hề giảm. Ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, việc bảo hộ công dân quá mức đã khiến họ xem thường pháp luật. “Một số ngư dân sau khi vi phạm được phía ta đàm phán, bỏ tiền ra mua vé cho về nước, chính quyền địa phương cũng tới yêu cầu ký cam kết, xử phạt xong nhưng vì lợi nhuận họ vẫn đi. Vì vậy, theo tôi phải có biện pháp mạnh hơn nữa nếu không tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta mới quyết liệt trên bờ chứ chưa quyết liệt trên biển, vì vậy nên đưa vi phạm này vào Luật hình sự vì rõ ràng đây là hình thức vượt biên trái phép” – ông Châu nói.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rẳng, cần đẩy nhanh nghị định xử phạt vi phạm, tăng mức phạt gấp 10 lần so với hiện nay. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, ngành chức năng  tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển; phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá và ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; trước mắt hoàn thành đồng bộ hoá cơ dữ liệu nghề cá VN-FISHBASE kết nối, vận hành thông suốt giữa Trung ương với 28 tỉnh ven biển và với các cảng cá chỉ định; hoàn thành trong tháng 5.2019.

Anh Thơ Báo Dân Việt