Tỉ phú chồn hương, lươn bể
Ở tuổi 32, anh Đặng Ngọc Tuân (xã Minh Lập, H.Chơn Thành, Bình Phước) nổi danh “triệu phú trẻ” khi sở hữu trong tay mô hình kinh tế hiệu quả “chồn hương, lươn bể”.
Trại nuôi chồn hương, lươn bể chỉ rộng khoảng 270 m2, nhưng lại thu lời gần 2 tỉ đồng/năm.
180m2, nuôi chồn lời hơn tỉ đồng/năm
Dẫn chúng tôi dạo quanh trại nuôi chồn hương, anh Tuân trò chuyện: “Như các anh thấy, diện tích đâu quyết định được ý tưởng làm giàu. Cái quan trọng là mình phải biết đầu tư con gì vào thời điểm này trên diện tích nhỏ nhất để cho hiệu quả kinh tế cao”. Và rồi, anh kể tiếp chuyện liều lĩnh của mình khi quyết định đầu tư nuôi chồn hương đúng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế.
Cuối năm 2008, nhiều nông dân tỉnh Bình Phước đổ xô nuôi nhím, rắn ri voi, còn anh Tuân lại nuôi chồn hương (còn gọi cầy vòi hương, tên khoa học vivericula indica). Dốc hết vật lực trong nhà và vay mượn thêm bạn bè được gần 200 triệu đồng, anh đã đầu tư xây 28 chuồng (1m2/chuồng/1 con), rồi lên tận Củ Chi (TP.HCM) mua 14 cặp chồn giống về nuôi (giá 6-7 triệu đồng/cặp).
Anh phấn khởi nói tiếp: “Sau 1 năm, 14 cặp chồn bắt đầu sinh sản, đẻ ra được 60 chồn con (1 con cái đẻ 4-6 con/lứa). Tôi quyết định bán hết số chồn con này, được gần 200 triệu đồng. Đến năm thứ 2, các cặp bố mẹ đã thuần hoá giống, đẻ 2 lứa/năm, bắt đầu từ đó có lời (350 triệu đồng/năm)”. Sang năm thứ 3, anh Tuân quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi lên 180 chuồng và con số thu lời đạt hơn 1 tỉ đồng/năm. Cơ sở của anh hiện chỉ bán chồn giống, không bán chồn thịt, vì nhu cầu chồn giống còn khát.
Theo anh Tuân, chồn hương rất dễ nuôi, lại ít bị bệnh, tuổi thọ trung bình trên 10 năm. Sau 1 năm nuôi, con đực trưởng thành nặng khoảng 5-7kg, con cái 3-5kg. Chồn ăn tạp, thức ăn là động thực vật, dễ tìm mua. Anh Tuân thường cho chồn ăn cháo, chuột, rắn, ếch, đặc biệt là trái cà phê. Trung bình 1 con chồn 4kg ăn hết 1kg trái cà phê tươi/ngày và cho ra 150-200 gam cà phê chồn (tương đương 170-220.000đồng).
6m2 xuất 1,4 tấn lươn/năm.
Một bất ngờ nữa đến với chúng tôi, khi anh Tuân dẫn thăm 9 bể nuôi lươn (rộng khoảng 6m2/bể) nằm song song cách trại nuôi chồn khoảng 1,5m. Anh Tuân chậm rãi phân tích: “Nuôi lươn lời, không thua gì nuôi chồn, công cán bỏ ra không nhiều. Một bể (6m2) nuôi lươn tương đương trồng 1ha cao su”. Anh lại giải thích, một bể nuôi 100-150kg lươn giống, 6 tháng sau xuất bán đạt 700kg/bể. Mỗi năm nuôi được 2 lứa (tức xuất bán 1,4 tấn/bể), trừ 50% chi phí nuôi, còn lãi khoảng 80 triệu đồng/bể (tương đương 1 ha cao su).
Theo anh Tuân, nuôi lươn như kiểu “làm chơi ăn thiệt”. Buổi trưa, anh cho người thu mua cá ươn, cá nhỏ ở chợ hoặc những người đánh bắt cá ven sông, suối đem về xay cho lươn ăn, thỉnh thoảng kết hợp cho lươn ăn con trùn quế. Chiều tối thay nước mới cho bể nuôi (duy trì mức nước 30-40cm), để giúp môi trường nước sạch, hạn chế bệnh cho lươn. Cứ thế, lươn lớn nhanh trông thấy hàng tuần.
“Trước kia người ta nuôi lươn thường đổ bùn vào trong bể, kiểu nuôi này đã lạc hậu vì khó thay nước, bể bị ô nhiễm làm lươn hay bị bệnh hoặc chậm lớn”, anh Tuân chia sẻ. Thay vì nuôi bùn, anh đã đóng 2 khung tre (mỗi khung kết nhiều nan tre cách nhau 10cm, diện tích khung khoảng 2m2), rồi chập 2 khung vào nhau (giữa hai khung cách nhau 5cm) để làm nơi cho lươn trú ngụ.
Cà phê chồn hảo hạng Cứ vào khoảng tháng 10, anh Tuân lại cho bầy chồn của mình “di cư” lên xã Tu Tra (H.Đơn Dương, Lâm Đồng) để sản xuất cà phê chồn. Anh cho biết, chồn hương rất thích ăn cà phê chín, nhưng lại biết kén chọn hạt ngon. Khi ăn, chúng chỉ ăn phần vỏ và cùi trái, còn phần hạt chúng nuốt vào bụng nhưng không tiêu hoá được. Khi đi qua dạ dày và ruột, những hạt này được thẩm thấu các chất enzyme và hệ men tiêu hoá của chồn, làm biến đổi chất, mùi vị trong hạt. Sau đó chúng thải hạt ra ngoài, đem chế biến thành cà phê chồn hương thơm ngon đặc biệt. |