TIN THỦY SẢN

Tìm hiểu công nghệ Biofloc trong nuôi trồng thủy sản

Tìm hiểu công nghệ Biofloc trong nuôi trồng thủy sản

Bài viết này cung cấp cho đọc giả những hiểu biết cơ bản về Biofloc và ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt trong nuôi tôm thẻ chân trắng.

Công nghệ Biofloc là gì?

Biofloc (BFT) là tập hợp vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước có chứa tảo, động vật nguyên sinh, vi sinh vật...; trong đó, các vi sinh vật dị dưỡng là chủ yếu (Hình 1). Các hạt hữu cơ lơ lững được gắn kết với nhau bằng chất keo sinh học gọi polyhydroxy alkanoat (PHA) tạo thành khối bông, xốp, màu vàng nâu. Biofloc có hàm lượng chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn cho cho nhiều loại động vật thủy sinh (tôm, cá...).

BFT là một công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản. Khi bổ sung nguồn cacbon theo một tỷ lệ phù hợp cùng với lượng nitơ sẵn có trong môi trường ao nuôi sẽ giúp cho vi sinh vật dị dưỡng phát triển, chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ thành protein trong sinh khối làm thức ăn tự nhiên cho cá, tôm. 

Vai trò của công nghệ Biofloc

Nuôi tôm bằng BFT được coi là “cuộc cách mạng xanh” mới trong nuôi trồng thủy sản. Vai trò chủ yếu của BFT như sau:

Ổn định chất lượng nước ao nuôi nhờ hấp phụ các hợp chất nitơ;

Chuyển hóa các chất thải hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng, chủ yếu protein;

Cạnh tranh với các loại vi khuẩn gây bệnh; 

Trao đổi nước ao nuôi thấp hơn;

Góp phần xử lý chất thải và hợp chất hữu cơ dư thừa dưới đáy ao;

Cải thiện tốc độ tăng trưởng, giảm hệ số chuyển hoá thức ăn và giảm chi phí thức ăn.

Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm

Thực tế cho thấy, nuôi tôm bằng BFT đem lại lợi ích kinh tế gấp nhiều lần so với việc nuôi trong điều kiện bình thường. Phương pháp này không những được áp dụng trong nuôi tôm thương phẩm mà còn được áp dụng trong ương nuôi và nuôi siêu thâm canh. 

Áp dụng BFT cho tôm thẻ trong ương nuôi (gièo) đảm bảo tỷ lệ sống cao 97-100% ao nuôi. Trong khi, tôm nuôi thương phẩm tiết kiệm đáng kể chi phí thức ăn so với điều kiện nuôi thông thường (ước tính 35%).

Ngoài ra, BFT cũng đã được chứng minh hiệu quả trong sản xuất tôm bố mẹ, tạo ra nguồn giống khỏe và không bị nhiễm bệnh vì nguồn dinh dưỡng mà Biofloc đem lại rất cần thiết cho quá trình hình thành tuyến sinh dục và phát triển buồng trứng. Nguồn dinh dưỡng này dự trữ trong gan tụy và được chuyển hóa vào huyết tương, sau đó đến buồng trứng giúp cho việc hình thành mô sinh dục tốt hơn và thúc đẩy quá trình sinh sản.

Một vài hệ thống Biofloc được sử dụng trong sản xuất thương mại với các mô hình nuôi ngoài trời, ao nuôi lót bạt hoặc trong bể và hệ thống nuôi nước chảy đối với tôm trong nhà kính. Mặt khác, một số hệ thống Biofloc được xây dựng trong nhà kín và không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng tự nhiên được gọi là hệ thống Biofloc nước nâu (Hình 2).

Thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng công nghệ Biofloc

- Thuận lợi: Nuôi tôm Biofloc đảm bảo an toàn sinh học, tôm tăng trưởng nhanh, năng suất và sản lượng cao đồng thời giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ này chúng ta sẽ ngăn ngừa hiệu quả bệnh đốm trắng trên tôm, ổn định môi trường nước và không cần thay nước thường xuyên.

- Khó khăn: Ngoài những lợi ích mà công nghệ Biofloc đem lại thì các ao nuôi cần phải được lót bạt hoặc xi măng; không áp dụng được trên nền ao đất; vì vây, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Hệ thống sục khí cần hoạt động liên tục nếu mất điện trong thời gian 1 giờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi. Đặc biệt, đây là công nghệ tiên tiến nên cần người nuôi có kiến thức và được đào tạo về kỹ thuật áp dụng Biofloc trong nuôi tôm.

Tóm lại, ứng dụng công nghệ Biofloc là một giải pháp sinh học hữu hiệu cho ngành nuôi tôm hiệu quả, bền vững và đem lại lợi nhuận lớn cho người nông dân.

KH&CN Quảng Trị