Tìm hiểu hai loại tôm chủ lực ở Việt Nam
Tôm sú và tôm thẻ là một trong những đối tượng thủy sản được nuôi phổ biến ở Việt Nam và rất được thị trường ưa chuộng bởi độ thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao.
Đôi nét về tôm sú và tôm thẻ
Được nuôi phổ biến bởi tốc độ tăng trưởng khá nhanh, tôm thẻ là loại có kích thước khá nhỏ, thân tôm thẻ thường có màu vàng hoặc màu xanh rất nhạt, chân màu trắng, 6 đốt, dáng thon dài. Lớp vỏ ngoài của tôm khá mỏng, đôi khi có thể quan sát được cả phần chỉ trong thân tôm.
Tôm sú có kích thước khá lớn, thông thường con cái có kích thước to hơn con đực. Sở hữu lớp vỏ ngoài dày có màu xanh dương đậm xen kẽ các vân màu xanh, đen hoặc vàng ở phần lưng, đây là đặc điểm rất dễ nhận biết tôm sú. Sú là loại ăn tạp, thích các động vật sống và di chuyển chậm, đặc biệt ưa ăn giáp xác, thực vật dưới nước, mảnh vụn hữu cơ.
Khái quát đặc điểm sinh học của từng loại
Tùy thuộc đặc điểm từng loài mà tôm sẽ có những chỉ tiêu khác nhau cho ao nuôi. Đối với sú, đây là loài động vật máu lạnh nên thân nhiệt của tôm chỉ có thể giao động ở mức nhiệt độ nhất định. Do đó, tôm cực kì mẫn cảm và rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Tôm sú ưa thích và phát triển ở nhiệt độ từ 28 - 30 ºC, nếu quá giới hạn sẽ khiến tôm dễ bệnh và chết; tôm không ưa ánh sáng và thường thích sống ở vùng đáy, do đó người nuôi nên giữ độ trong của nước không quá cao (trong khoảng 30 cm là hợp lí). Bên cạnh đó, độ kiềm phải được ổn định ở mức 80 – 120 mg/l (ở tốm thẻ là 120 – 180 mg/l), giúp tôm không bị sốc do biến đổi môi trường và tăng khả năng kháng bệnh, đồng thời quyết định phần lớn độ pH trong ao (Độ pH trong nước thích hợp cho tôm sú sinh trưởng vào khoảng 7.5 đến 8.5).
Đối với tôm thẻ, là loài giáp xác rộng muối, chúng có thể sống trong môi trường nước có độ mặn từ 0 – 40 ‰ (độ mặn thích hợp để chúng sinh trưởng, phát triển tốt từ 10 – 25 ‰, với tôm sú là 15 – 20 ‰). Ngoài ra, tôm thẻ còn có khả năng chịu được nhiệt độ thấp từ 6ºC (tuy nhiên, nhiệt độ để tôm phát triển nhanh nhất là 27ºC) và có thể nuôi được ở mật độ cao đến 150 con/m2.
Giá trị kinh tế
Nói đến giá trị kinh tế, tôm sú có ưu thế hơn tôm thẻ chân trắng về mặt kích cỡ to hơn, mùi vị giống tôm hùm nên chủ yếu cung cấp cho thị trường cao cấp. Tôm sú đã thành công bước đầu được gia hóa và chọn giống nên cho sức tăng trưởng nhanh 0,3g/ngày. Đặc biệt phù hợp với nuôi quảng canh hoặc mô hình tôm kết hợp với trồng lúa góp phần giảm bớt phần nào chi phí đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng cũng không hề thua kém. Nhờ vào tốc độ tăng trưởng nhanh, ngưỡng chịu mặn, nhiệt độ lớn và có khả năng nuôi ở mật độ cao; đồng thời đòi hỏi thức ăn có độ đạm (20-35%) thấp hơn so với tôm sú, dẫn đến giảm chi phí nuôi thấp và khả thi với các hệ thống khép kín hoặc hệ thống dị dưỡng. Do đó tôm thẻ chân trắng có thể được thả nuôi quanh năm và cho sản lượng cao gần gấp đôi so với tôm sú.
Vậy nên chọn tôm thẻ hay tôm sú?
Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng tôm sú và tôm thẻ vẫn là loại thực phẩm được nhiều người tin dùng bởi trong tôm chứa ít calo nhưng lại cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin b12, sắt, canxi, omega 3,...nhất là selen (một khoáng chất trong tôm khả năng làm giảm sưng viêm, tăng cường sức khỏe của tim mạch và có khả năng ngăn ngừa và kìm hãm một số tế bào ung thư).
Thường thì tôm sú sẽ có phần thịt săn chắc và dai hơn tôm thẻ nên sẽ hợp chế biến thành các món nướng, nhờ phần vỏ dày nên sau khi nướng sẽ ít bị hao hụt phần thịt. Ngược lại, với ưu điểm là vỏ mỏng, dễ bóc tách trong quá trình sơ chế nên tôm thẻ thường được dùng trong các món hấp, rim hoặc nấu canh, mang lại độ ngọt thanh vừa phải. Tuy nhiên, chất lượng thịt và mùi vị của từng loại tôm sẽ khác nhau thế nên tùy vào sở thích và khẩu vị của mỗi người sẽ phù hợp với từng loại tôm.