Tình hình sản xuất và kinh doanh thủy sản 6 tháng đầu năm
Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1,27 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái. Trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1,2 triệu tấn, tăng 4,7%.
Tình hình chung
Năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu do hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công kéo dài ở khu vực châu Âu và xung đột chính trị ở Trung Đông và châu Phi. Hầu hết các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đều chỉ tăng trưởng ở mức thấp, hoặc thậm chí tăng trưởng âm.
Ở trong nước, những bất ổn nhiều năm qua trong nội tại nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, thiên tai dịch bệnh liên tiếp xảy ra, cùng với bối cảnh bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2012 ước tính chỉ tăng ở mức rất thấp, 4,38% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó quý I tăng 4%; quý II tăng 4,66%.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng chịu chung số phận như mọi ngành sản xuất khác, sản xuất có dấu hiệu đình đốn trong những tháng đầu năm, hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp hầu như đã bên bờ phá sản, không thể cầm cự trước hoàn cảnh thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ bấp bênh.
Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,81%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm, thấp hơn nhiều so với mức 3,89% của cùng kỳ năm 2011.
Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2012 bằng 2,66 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó cá đạt 2,1 triệu tấn, tăng 5,1%; tôm 237,8 nghìn tấn, tăng 6,2%.
Khai thác thủy sản tăng nhẹ
Sản lượng thủy sản khai thác sáu tháng đầu năm ước đạt 1,27 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng khai thác biển đạt 1,2 triệu tấn, tăng 4,7%.
Thời tiết biển nửa đầu năm tương đối thuận lợi đối với hoạt động khai thác thủy sản. Một số nguồn lợi như cá cơm, cá nục, cá hố, cá đổng, cá ngừ,… xuất hiện nhiều trên các ngư trường. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá chim, cá nhụ… cũng đạt năng suất khai thác khá tốt nên phần lớn chuyến biển đều có lãi. Đặc biệt sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt tăng khá do người dân áp dụng phương pháp câu mới, trong đó sản lượng của Phú Yên đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; Bình Định đạt 5,1 nghìn tấn, tăng 36%.
Các địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ xăng dầu cho tàu có công suất lớn khai thác xa bờ và triển khai dự án quan sát bằng vệ tinh cho tàu cá có công suất 90CV trở lên, từ đó tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.
Nuôi trồng thủy sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng sáu tháng ước đạt 1,39 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1,11 triệu tấn, tăng 6,5%; tôm 169,6 nghìn tấn, tăng 7%.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích nuôi cá tra quy mô tập trung đạt khoảng 4.800 ha, trong nửa đầu năm đã thu hoạch khoảng 1.200ha, sản lượng ước 450.000 tấn cá nguyên liệu. Từ tháng 3, giá cá nguyên liệu bắt đầu giảm. Đến nay, dù người nuôi phải bán cá thấp hơn giá thành tới 2.000-3.000 đồng/kg nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ dám mua cầm chừng do không có vốn, đặc biệt là khi người nuôi yêu cầu thành toán ngay do sợ doanh nghiệp vỡ nợ.
Dịch bệnh tôm tiếp tục kéo dài, diễn biến phức tạp. Mặc dù với những nỗ lực chung, dịch bệnh đã được khống chế ở một số địa phương, nhưng tình hình vẫn rất trầm trọng. Tôm sú và tôm chân trắng nuôi ở 18 tỉnh, thành phố đã xảy ra hội chứng hoại tử gan tụy. So với cùng kỳ năm ngoái, diện tích tôm bị bệnh đốm trắng tại một số tỉnh thành tăng đáng kể như Bến Tre tăng hơn gấp 3 lần, Cà Mau tăng hơn gấp 10 lần, tổng diện tích bị nhiễm bệnh cũng tăng cao gấp 3 lần so với năm 2011. Theo Tổng cục Thủy sản, tổng số khoảng 39.000 ha nuôi tôm đã bị thiệt hại, tổn thất lên tới 5.500 tỷ đồng. Tại Phú Yên, từ đầu vụ thả nuôi đến nay, cả tỉnh đã có gần 75.600 con tôm hùm nuôi bị chết do các bệnh đục thân, đen mang, lỏng cổ, đường ruột và bệnh sữa.
Nuôi trồng các loại cá và thủy sản khác phát triển mạnh. Phong trào nuôi cá rô phi, cá chẽm, cá kèo…tiếp tục được đầu tư trên các đầm phá, hồ đập thủy lợi và ruộng lúa. Nuôi cá hồng, cá mú, cá giò, tu hài, nghêu lụa, sò huyết...phát triển ở các địa phương vùng biển. Nuôi cá lồng bè tăng mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với loại thủy sản nuôi chính là cá điêu hồng, cá bống tượng và cá lóc.
Xuất khẩu thủy sản: Lo ngại giá giảm
Ước giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6 đạt 550 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng lên xấp xỉ 2,9 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2011. Giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 900 triệu USD, cá tra hơn 800 triệu USD. Xuất khẩu sang các nước thuộc khối EU tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia và một số thị trường khác tăng trưởng khá. Xuất khẩu sang nhóm thị trường Nam Mỹ có nhiều dấu hiệu khả quan.
Vấn đề đáng lo ngại là giá xuất khẩu giảm. Tôm ở Nam Mỹ và một số nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan được mùa, nguồn cung tăng đẩy giá xuống thấp. Riêng tại Nhật Bản, tôm Việt Nam hầu như bất lực khi phải đối mặt với quyết định kiểm tra Ethoxyquin với mức dư lượng thấp đến “không tưởng” bằng 0,01ppm. Trong khi đó giá cá tra giảm mạnh, thậm chí xuống tới 2,5-2,8 USD/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước, do nhiều doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, chấp nhận bán giá thấp để thu hồi vốn thanh toán nợ ngân hàng.
Trước tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản hết sức khó khăn hiện nay, VASEP đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án gói cứu trợ khẩn cấp “cứu” xuất khẩu thủy sản, như mua tạm trữ cá tra nguyên liệu, áp dụng giá sàn, giảm lãi suất vay vốn nuôi thủy sản, hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi tôm, v.v... đồng thời với các giải pháp trung và dài hạn, trình Chính phủ cho thực hiện trong thời gian sớm nhất.