TIN THỦY SẢN

Tính kế bền vững cho cá tra

Khuyến cáo không nên ồ ạt nuôi cá tra khi chưa chắc chắn đầu ra Ca Linh

Sản phẩm cá tra Việt Nam luôn độc chiếm thị trường thế giới, có mặt ở hơn 140 quốc gia nhưng nghịch lý là từ nhiều năm nay, nông dân chưa thực sự được làm giàu bền vững còn doanh nghiệp cứ mãi lao đao

Giá cá tra đang tăng cao trong nhiều năm qua đã “kích” nông dân ồ ạt thả nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, việc mở rộng diện tích tràn lan sẽ dẫn đến cung vượt cầu, dẫn đến thảm cảnh cá tra lại rớt giá như nhiều năm trước bởi thị trường luôn biến động.

Nông dân lời đậm

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), cho biết những ngày qua, thương lái đến tận ao mua cá tra với giá 26.000-26.500 đồng/kg. Với giá bán này, xã viên lời khoảng 4.000 đồng/kg. “Đây là mức giá cao nhất trong mấy năm qua và nông dân lời đậm. Hiện trong các ao của HTX còn khoảng 100 tấn, dự kiến trong tháng này sẽ bán hết” - ông Phong phấn khởi.

Từ trước Tết nguyên đán 2017 đến nay, giá cá tra tăng dần, từ 22.000-24.000 đồng/kg và hiện nay có nơi được giá tới 27.000 đồng/kg. Giá cá nguyên liệu tăng cũng đã kéo theo giá cá giống tăng, hiện từ 28.500-36.000 đồng/kg (loại 30 con/kg).

TS Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), lý giải có 2 nguyên nhân dẫn đến giá cá tra tăng mạnh. Thứ nhất, do những năm trước làm ăn thua lỗ, các cơ sở sản xuất giống cá tra chuyển sang nuôi con giống khác dẫn đến nguồn cung cá giống giảm mạnh. Thứ hai, thị trường tiêu thụ cá tra phi lê tuy giảm ở EU nhưng lại tăng mạnh ở Trung Quốc. Cũng theo ông Dũng, việc tăng giá này giúp nông dân có lãi đậm nhưng cũng vì lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên vẫn ẩn chứa rủi ro. Người nuôi nên bán cá khi mức giá đạt ngưỡng cao như hiện nay để tránh bị làm giá.

Vấn đề mà ông Dũng lo ngại nhất là giá cá tra tăng sẽ khiến nông dân đổ xô nuôi cá tra, trở lại với vòng luẩn quẩn bỏ - nuôi, nuôi - bỏ. Thực tế là hiện khá nhiều nông dân ở ĐBSCL có ý định tăng diện tích. Ông Nguyễn Văn Lắm (ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bày tỏ: “Sau mấy năm thua lỗ, tôi cho người khác thuê ao nuôi cá tra. Nhưng nay nghe nói giá cá tăng kỷ lục, chắc tôi lấy ao để nuôi lại. Hy vọng thị trường không biến động nhiều để người nuôi như chúng tôi gỡ lại vốn”. Còn theo ông Nguyễn Tấn Phong, HTX Thủy sản Đại Thắng có tổng diện tích mặt nước là 8,5 ha, trong những năm qua, nhiều xã viên thua lỗ nên “treo ao” còn hiện tại, một số xã viên dự định cải tạo ao nuôi để nuôi trở lại. “Hiện HTX này đang ký hợp đồng với một công ty, họ cho mua nợ 50% tiền thức ăn và bao tiêu đầu ra. Điều này giúp xã viên an tâm hơn khi thị trường cá tra trồi sụt thất thường” - ông Phong chia sẻ.

Theo thống kê của VN Pangasius, tính đến tháng 3, diện tích cá tra nuôi mới ở ĐBSCL là 739 ha, tăng 26 ha so với cùng kỳ năm 2016. Diện tích nuôi dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới.

Rủi ro cho người nuôi mới

Trước hiện tượng nông dân đổ xô nuôi cá tra trở lại, TS Võ Hùng Dũng cảnh báo những người nuôi cá tra lâu nay giờ đang còn nuôi sẽ lời. Còn người nuôi mới nếu ồ ạt thả cá, thuê ao có thể gặp rủi ro cao, cá giống khan hiếm và nhất là giá cá biến động thất thường.

Bài học “được mùa thì mất giá” đối với cá tra được các chuyên gia cảnh báo là có khả năng lặp lại bởi hiện nay, cá tra phi lê chủ yếu xuất bán ở Trung Quốc. Ở thị trường này, hiện tượng thương lái dừng thu thua, làm giá rất hay xảy ra. Số liệu của VN Pangasius cho biết kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng liên tục từ năm 2010-2016. Cụ thể, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 43 triệu USD, đến năm 2016 tăng lên 272 triệu USD, chỉ đứng sau thị trường Mỹ và vượt qua EU trong kim ngạch xuất khẩu.

TS Võ Hùng Dũng cho rằng nếu chính quyền mới của Mỹ thực hiện đạo luật nông trại (Farm Bill) một cách khắc nghiệt thì cánh cửa xuất khẩu cá tra sang đây sẽ đóng lại. Khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc lại tăng lên và thay thế thị trường Mỹ thì giá cá tra ắt hẳn sẽ đi xuống. “Khi nhu cầu thay đổi thì lập tức giá xuống cho dù cá nguyên liệu có cạn kiệt hay không còn trong kho. Điều này có thể xảy ra trong vài tháng tới, nếu may mắn thì năm sau mới xảy ra” - ông Dũng phân tích.

Theo nhiều chuyên gia, việc buôn bán với Trung Quốc đã có từ lâu. Họ tìm đến những vùng nông thôn của nước ta mua cá nhưng lâu nay, cơ quan chức năng còn e dè, chưa dám nghiên cứu về thị trường này nên rủi ro dễ xảy ra. “Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Công Thương, tham tán thương mại, Đại sứ quán… Cần cử những người có chuyên môn tìm hiểu về thị trường Trung Quốc và thông tin lại cho địa phương và nông dân biết rõ để có cách làm ăn với họ” - ông Dũng khuyến nghị.

Khó khôi phục thị trường EU

Từ năm 2012 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trên đà giảm dần, từ khoảng 500 triệu USD xuống còn khoảng 260 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 2 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang đây đạt 25,2 triệu USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo thời gian tới, xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục giảm. Ông Yoann Perrault, Giám đốc kỹ thuật và tiếp thị khu vực châu Á của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng một số đơn vị kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa được phía EU công nhận nên các sản phẩm được chứng nhận ở những đơn vị này dù vượt qua được hàng rào của phía Việt Nam nhưng chưa nhận được sự tin tưởng của phía EU. “Do đó, việc phải làm đầu tiên để khôi phục thị trường này là doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao chất lượng sản phẩm, có thương hiệu vững chắc” - ông Yoann Perrault đề xuất.

Ca Linh Người lao động