Tôm chết hàng loạt: Người nuôi "tự hại" mình
“Bà con tuyệt đối ngưng ngay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác trong ao nuôi tôm; không được dùng kháng sinh trong tháng đầu tiên; nên có ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm”.
Nông dân nuôi tôm ĐBSCL tiếp tục gặp nhiều khó khăn. do tôm chết hàng loạt. Trong ảnh là nông dân huyện Cầu Ngang, Trà Vinh thu hoạch tôm - Ảnh: Trung Chánh
Đó là những khuyến cáo của tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II tại hội thảo báo cáo kết quả khảo sát tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi được tổ chức tại Trà Vinh vào sáng 23-5. Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, chính việc sử dụng tràn lan các chất bảo vệ thực vật trong việc xử lý ao nuôi cũng như quản lý yếu kém của các cơ quan liên quan là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tôm chết hàng loạt như hiện nay.
Nuôi tôm thiệt hại nặng
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, kể từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tiếp tục bùng phát và gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL như: Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Trong đó, Trà Vinh và Kiên Giang là 2 tỉnh có diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại nặng nề nhất.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, trong năm 2012 Trà Vinh có khoảng 23.000 hộ nông dân tham gia nuôi tôm với diện nuôi ước đạt trên 23.000 héc ta. Hiện tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến rất phức tạp, trong đó huyện Mỹ Long Nam bị thiệt hại trên 98% diện tích; huyện Duyên Hải 70 - 80% diện tích, 2 huyện Trà Cú và Châu Thành diện tích tôm nuôi bị thiệt cũng liên tục tăng cao.
“Tính đến nay, tổng thiệt hại do tôm nuôi chết gây ra ước tính khoảng 800 – 900 tỉ đồng rồi. Riêng tôm chết làm giảm sản lượng khoảng 15.000 tấn với thiệt hại tương đương số tiền là 2.300 tỉ đồng”- ông Phong nói.
Đại diện Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Bạc Liêu đánh giá, trong nhũng năm gần đây, (từ năm 2009 đến nay) tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ngày càng phức tạp với diện tích thiệt hại liên tục tăng cao. Vị này nói: “Nếu như ở những vùng nào trúng lớn trong vụ nuôi năm ngoái, thì năm nay là vùng bị thiệt hại nặng nề nhất”.
Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, có rất nhiều nguyên nhân khiến tôm nuôi bị thiệt hại trên diện rộng như hiện nay, tuy nhiên theo tiến sĩ Hảo việc sử dụng tràn lan các chất thuốc bảo vệ thực vật (Cypermethrin) trong diệt giáp xác là nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh hoại tử gan tụy.
“Trong số 19 điểm mà Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện lấy mẫu thử ở tỉnh Trà Vinh thì có đến 100% mẫu tôm bị bệnh hoại tử gan tụy với mức độ nhiễm bệnh nặng nhẹ khác nhau” - tiến sĩ Hảo cho biết.
Tự hại mình
Theo kết quả phân tích về mẫu nước cũng như mẫu bùn đáy ao được lấy từ các hộ nuôi do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thực hiện cũng cho thấy, đa số các mẫu được đều có chứa chất thuốc bảo vệ thực vật.
Tiến sĩ Hảo cho rằng, Cypermethrin là một loại thuốc diệt giáp xác rất độc thuộc nhóm cúc tổng hợp, ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi.
“Cách đây 20 năm Thái Lan đã cấm sử dụng Cypermethrin và được thay vào đó là dùng lân hữu cơ để diệt giáp xác, còn ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Lân hữu cơ thì 3 ngày sau không còn độc lực, Cypermethrin thì 1 tháng vẫn còn, đó là một cái sai sót trong quản lý của chúng ta” - tiến sĩ Hảo nói.
Trả lời câu hỏi: “Những năm trước đây, người nuôi tôm vẫn sử dụng chất Cypermethrin để diệt giáp xác nhưng vẫn thắng lớn, còn bây giờ sao lại bị thiệt hại?”. Tiến sĩ Hảo trình bày: “Sử dụng một vài năm thì không sao, nhưng lâu dần thì nó sẽ lắng tụ lại trong bùn đáy ao, sự tích lũy đó sẽ có tác động xấu”.
Việc lạm dụng thuốc diệt giáp xác trong thời gian qua của người nông dân là một việc làm hết sức nguy hiểm, không chỉ hại bản thân họ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản của Việt Nam. Ông Hảo nói: “Việc cho phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm cúc tổng hợp trong diệt giáp xác là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm chết như thời gian qua. Rõ ràng có thể còn có nguyên nhân khác nhưng nguyên nhân dùng thuốc diệt giáp xác là quá rõ”.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Hảo: “Để thay đổi tập quán sử dụng thuốc diệt giáp xác của nông dân không phải dễ vì phương pháp này rẻ tiền hơn so với các phương pháp khác. Thời gian tới, bà con nên trang bị thêm một ao lắng để lắng, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm nhằm hạn chế thiệt hại”.