Tôm thẻ chân trắng tăng trưởng tốt trong ao nước ngọt vào mùa đông
Nghiên cứu mới đây của PGS.TS Kim Văn Vạn và Đoàn Thị Nhinh, 2019 tại Hưng Yên cho thấy tôm thẻ chân trắng có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong ao nuôi nước ngọt với điều kiện mùa đông ở miền Bắc Việt Nam.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm của Việt Nam không ngừng phát triển, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi, cũng như đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Trong các đối tượng nuôi, tôm thẻ chân trắng do có những ưu điểm vượt trội như khả năng chịu đựng tốt với biến động của các yếu tố môi trường, mật độ nuôi cao, cường độ bắt mồi lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh nên đã được phát triển rộng khắp ở các tỉnh ven biển đặc biệt khu vực Nam Bộ, nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi (nắng ấm quanh năm, nhiệt độ ổn định từ khoảng 27-35oC,…) thích hợp cho ngưỡng phát triển của tôm thẻ.
Trong khi đó miền Bắc có mùa đông dài và lạnh cũng là một trong những hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản. Các hệ thống ao nuôi thường ngừng sản xuất trong thời gian mùa đông, chỉ tập trung một số đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép (Tạp chí Thủy sản, 2018).
Đa dạng hóa đối tượng nuôi là một trong những giải pháp để khai thác tiềm năng phát triển nuôi thủy sản nước ngọt khu vực này với mục tiêu tìm kiếm và phát triển nuôi các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt hướng tới các đối tượng có khả năng chịu lạnh hoặc chịu nhiệt tốt. Dựa vào các tiêu chí trên, tôm thẻ chân trắng là một lựa chọn phù hợp để thử nghiệm nuôi trong nước ngọt.
Tôm thẻ chân trắng (Lipopenaeus vannamei) là loài sinh vật rộng muối có thể chịu đựng được nước có độ mặn 5 - 45‰. Tôm thẻ chân trắng nuôi ở độ mặn thấp (5 - 15‰) sẽ tăng trưởng nhanh hơn ở độ mặn cao. Đó là do ở độ mặn thấp sự trao đổi chất (protein) trong cơ thể tôm tốt hơn và khi độ mặn thấp thì tôm bị bắt buộc sử dụng tổng acid amin tự do (free amino acid pool) để bù vào sự thay đổi thể tích tế bào. Ngoài ra, khi nuôi tôm ở độ mặn thấp sẻ hạn chế một số bệnh virus đốm trắng, đầu vàng, vi khuẩn phát sáng và EMS thường xuất hiện ở những ao nuôi có độ mặn cao.
Đã có một số báo cáo nghiên cứu thuần hóa và nuôi đối tượng này trong nước ngọt trên thế giới, tuy nhiên chưa có các thử nghiệm với quy mô sản xuất trong điều kiện khí hậu mùa đông khu vực miền Bắc Việt Nam. Do đó, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng thuần hóa và nuôi tôm thẻ thương phẩm qua đông tại tỉnh Hưng Yên, một khu vực mang đặc trưng khí hậu miền Bắc.
Thuần hóa và nuôi tôm thẻ trong ao nước ngọt nuôi vào mùa đông
Thí nghiệm 1: Thử nghiệm thuần hóa tôm chân trắng
Tôm thẻ chân trắng giai đoạn PL12 được thuần hóa trong các bể xi măng với độ mặn 15 ppt, bên trong được lát gạch men để hạn chế rêu bám và dễ vệ sinh, khử trùng.
Nguồn nước sử dụng cho quá trình thuần hóa được lấy từ ao nuôi cá rô phi đã được khử trùng và gây màu nước để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong quá trình thuần hóa.
Quá trình thuần hóa được thực hiện theo 3 đợt; mỗi đợt sử dụng 4 bể; số lượng tôm thuần hóa với mật độ 14,5-16,5 con/L.
Sau khi tôm được vận chuyển về trại, các túi đựng tôm giống được đưa vào bể thuần hóa khoảng 30 phút để cân bằng nhiệt độ trước khi thả tôm vào bể. Độ mặn trong nước ương được giảm với mức 2 ppt/ngày đêm đến 0 ppt (trong vòng 7- 8 ngày).
Trong quá trình thuần hóa, tôm được cho ăn 4 lần/ngày cho tôm có độ đạm 40% kết hợp với nguồn sinh vật phù du từ ao nuôi.
Thí nghiệm 2: Thử nghiệm nuôi tôm chân trắng trong nước ngọt qua đông
Thử nghiệm được tiến hành ở 3 ao nuôi có diện tích từ 3.000-3.600 m2 , độ sâu (mực nước trong ao nuôi) 1,7-2 m. Tôm giống PL12 sau khi trải qua quá trình thuần hóa vào nước ngọt (giai đoạn PL20) được đưa vào thử nghiệm nuôi trong ao với mật độ thả từ 62-67 con/m2 . Thức ăn sử dụng trong thử nghiệm có độ đạm 30% và nuôi trong vòng 18 tuần.
Kết quả
Tôm thẻ chân trắng có thể thuần hóa vào môi trường nước ngọt với tốc độ hạ mặn 2 ppt/ngày và nuôi thương phẩm được trong ao nuôi nước ngọt qua đông ở khu vực phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng của tôm khi nuôi trong ao nuôi nước ngọt qua đông không quá thấp, đạt 0,79 g/tuần, tôm đạt kích cỡ 70 con/kg sau 18 tuần nuôi. Hiệu quả kinh tế đạt khá cao, đạt 88,7 triệu đồng/1.000 m2. Như vậy đây là đối tượng tiềm năng có thể đưa vào nuôi ở các vùng nước ngọt trong vụ đông để có sản phẩm bán vào cuối xuân hoặc đầu mùa hè, đây là thời điểm các sản phẩm thủy sản thường có giá bán cao hơn các thời điểm khác.
Mức lợi nhuận khá cao đạt được là nhờ giá tôm thương phẩm vụ nuôi qua đông ở mức tương đối cao so với các thời điểm chính vụ. Đồng thời, khi nuôi trong môi trường nước ngọt vụ đông không thấy xuất hiện các bệnh thường gặp trên tôm như khi nuôi trong môi trường mặn lợ làm tăng tỷ lệ sống. Hơn nữa, quá trình nuôi giúp tận dụng diện tích ao nuôi trong vụ đông, đảm bảo ổn định nguồn lao động và thu nhập quanh năm cho trang trại.
Từ kết quả của đề tài sẽ là cơ sở để đánh giá khả năng mở rộng hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt qua đông ở khu vực miền Bắc.
Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2019