TIN THỦY SẢN

Vì sao nông dân e ngại đi theo VietGAP?

Trong ảnh: Kiểm tra mật độ cá nuôi trong lồng bè trên sông Chà Và (TP.Vũng Tàu). Ngô Thanh

Ứng dụng các tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản là điều kiện cần và đủ để tạo ra sản phẩm sạch, môi trường không bị ô nhiễm, bảo đảm cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 4 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP với diện tích 43ha.

VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là quy phạm thực hành sản xuất tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, có trách nhiệm đối với xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Lợi ích của những cơ sở đăng ký áp dụng quy chuẩn VietGAP trong thời gian đầu sẽ được Nhà nước cấp chứng nhận miễn phí thông qua các chương trình, dự án. Các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm thông thường và đương nhiên cơ hội vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng sẽ lớn hơn.

Nhiều lợi ích là thế nhưng hiện nay cả tỉnh mới chỉ có 4 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng 43ha/7.500ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là nuôi tôm thẻ. Một trong những nguyên nhân chính khi quá ít cơ sở tham gia đăng ký nuôi trồng thủy sản theo VietGAP là chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Là một trong những cơ sở nuôi trồng thủy sản đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ triển khai dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận từ năm 2013, ông Nguyễn Đăng Nhân, chủ cơ sở nuôi tôm tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cho biết: Để được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, ông đã phải bỏ hơn 100 triệu đồng để cải tạo các công trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn. Do vậy, chi phí đầu tư cho mỗi vụ nuôi cũng tăng lên khoảng 20-25%, nhưng giá bán sản phẩm VietGAP vẫn ngang bằng sản phẩm thông thường, gây khó khăn cho người nuôi.

Thêm vào đó, các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng như điện, hệ thống kênh dẫn, thoát nước. Như vùng nuôi tôm Phước Thuận, dù được UBND tỉnh quy hoạch làm vùng nuôi thủy sản tập trung của tỉnh nhưng chưa được đầu tư đồng bộ đường, điện, nhất là hệ thống kênh cấp nước phục vụ việc nuôi trồng, dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro... gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện nuôi tôm theo chuẩn VietGAP của các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, tiêu chuẩn VietGAP có nhiều tiêu chí khó áp dụng đối với hộ nuôi nhỏ lẻ như “phải có hợp đồng lao động, cơ sở nuôi phải thường xuyên quan trắc, kiểm soát chất lượng nước từng loài nuôi và lập, cập nhật, lưu trữ hồ sơ về con người, quan trắc; cơ sở nuôi phải lập và cập nhật và lưu trữ hồ sơ liên quan đến sức khỏe thủy sản nuôi”. Chi phí cho các hộ nuôi áp dụng quy trình VietGAP tăng lên từ 10-30% trong khi giá bán vẫn như sản phẩm bình thường. Vì thế, sẽ rất khó để các cơ sở nuôi theo VietGAP cạnh tranh với những cơ sở nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí tư vấn cấp giấy chứng nhận an toàn, sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP hiện nay khá cao, từ 7-10 triệu đồng/ha cũng khiến cho người nuôi chưa mấy “mặn mà” đầu tư nuôi theo chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Việc áp dụng thực hiện VietGAP trong nuôi trồng thủy sản tỉnh còn rất khó khăn do nội dung và tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là đối với người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nuôi trồng thủy sản lồng bè. Chất lượng nước ao nuôi, vùng nuôi chưa đạt yêu cầu do đa số phải sử dụng nguồn nước từ kênh, rạch, chưa có hệ thống nước cấp, nước thải riêng. Trong khi đó, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đều nhỏ lẻ, nguồn vốn còn thiếu nên không bảo đảm các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn VietGAP, nên quá trình áp dụng còn nhiều khó khăn. Ngoài bộ tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi trồng thủy sản cũng đã ứng dụng một số bộ tiêu chuẩn khác như: ASC, GlobalGAP, BAP… Việc có quá nhiều bộ tiêu chuẩn đã không chỉ làm rối cho người nuôi thủy sản, mà ngay cả những người làm công tác quản lý cũng cảm thấy lúng túng trong việc định hướng, hướng dẫn người nuôi thủy sản nên áp dụng theo bộ tiêu chuẩn nào cho hiệu quả. Mỗi một tiêu chuẩn lại ứng với một thị trường riêng, nên có khi một cơ sở nuôi trồng thủy sản phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn để đáp ứng nhiều thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết thêm, để việc triển khai chứng nhận VietGAP cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản của tỉnh được thuận lợi, Chi cục Thủy sản tỉnh đã đề xuất với Tổng cục Thủy sản cần đồng bộ tiêu chuẩn VietGAP với nhiều bộ tiêu chuẩn quốc tế, đánh giá và công nhận hài hòa lẫn nhau, nhằm giảm thiểu chi phí chứng nhận cho cơ sở nuôi đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau, cũng như khẳng định vai trò, vị thế của VietGAP trong hệ thống chứng nhận quốc tế. Đồng thời hỗ trợ cho người nuôi áp dụng VietGAP chi phí đánh giá chứng nhận lại. Đối với địa phương, cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để đồng bộ thu hút các DN đầu tư, các cơ sở nuôi đầu tư phát triển; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở áp dụng VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cần thúc đẩy mạnh liên kết 4 nhà để tiêu thụ sản phẩm chất lượng như VietGAP, kết nối những DN với các hộ sản xuất quy mô như VietGAP để bao tiêu sản phẩm, giá cả cạnh tranh với các sản phẩm khác.

Ngô Thanh Báo Bà Rịa