TIN THỦY SẢN

Việt Nam lọt top 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới

Việt Nam đang từng bước xây dựng vững chắc vị thế là quốc gia hàng đầu trong việc xuất khẩu thủy sản. Ảnh: qrt.vn Cảnh Kỳ

Kết thúc năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu (XK) 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước XK thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 95% số doanh nghiệp (DN) XK thủy sản là DN trong nước. Đây là tỷ lệ rất cao, thậm chí có thể coi là ngược xu hướng với số đông trong nền kinh tế hiện nay khi khoảng 70% số DN XK lớn thuộc nhóm FDI.

“Kỳ tích của ngành thủy sản có được là do DN và hiệp hội đã nỗ lực vượt nhiều rào cản, từng bước mở cửa, chinh phục các thị trường khó tính, kể cả trước khi vào WTO. Nhiều nước XK thủy sản lớn trên thế giới hiện lấy Việt Nam làm thước đo và muốn học hỏi kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh của chúng ta.

Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trực tiếp là Bộ NN&PTNT, VASEP cho rằng DN trong ngành cần duy trì được nội lực, xây dựng, đẩy mạnh các chuỗi liên kết chặt chẽ hơn nữa...” - ông Nam chia sẻ.

Ông Nam ấn tượng mạnh vì Việt Nam hiện có tới 95% các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Theo VASEP, trong các mặt hàng thủy sản XK năm 2022, ngành tôm đã ghi nhận kỷ lục trên 4,3 tỷ USD. Cá tra cũng lập kỳ tích với 2,4 tỷ USD và là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong các mặt hàng thủy sản XK. Ngành cá ngừ cũng gia nhập “câu lạc bộ” tỷ đô khi cán mốc 1 tỷ USD, lần đầu tiên trong hơn 20 năm XK.

XK mực, bạch tuộc mang về 764 triệu USD, tăng 26% so với năm 2021. Các sản phẩm cá khác như cá cơm, cá nục, cá thu và nhiều loài cá biển khác đã đóng góp doanh số lớn 2 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2021…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thủy sản như hệ lụy của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…

Trong bối cảnh đó, XK thủy sản vẫn tăng tốc và về đích với thành tích kỷ lục. Đó là kết quả của sự nỗ lực của hơn 800 DN chế biến và XK thủy sản, của bà con nông ngư dân và toàn ngành. Đó cũng là kết quả của một năm thuận lợi nhờ nền kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định, tạo điều kiện cho DN tận dụng cơ hội thị trường, vượt qua các khó khăn, thách thức.

Ngành cá tra lập kỳ tích xuất khẩu với khi mang về 2,4 tỷ USD năm 2022. Ảnh: vneconomy.vn

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhất là những nền kinh tế lớn, cùng với xu hướng lạm phát tăng cao, làm cho người tiêu dùng khắp nơi thắt chặt chi tiêu… thì bức tranh XK thủy sản năm 2023 sẽ khó giữ được tăng trưởng như năm 2022 và thậm chí có thể giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm.

Do vậy, ngành thủy sản nói chung và các DN chế biến XK nói riêng cần chuẩn bị một tâm thế đối diện với những thách thức phía trước như nhu cầu nhập khẩu giảm, giá hạ, trong khi các chi phí sản xuất vẫn cao… Đặc biệt là các thị trường nhập khẩu có thể sẽ khắt khe hơn, nhiều rào cản kỹ thuật hơn.

Những khó khăn từ thị trường và những tồn tại nội tại như thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và một số bất cập khác càng đòi hỏi DN một ý chí mạnh mẽ hơn, linh hoạt, năng động hơn. Và đặc biệt là cần chuẩn bị cho chặng đường phía trước, khi mà thị trường dần ổn định trở lại thì chúng ta có sẵn nguồn lực, năng lực để sản xuất, chế biến và tăng tốc trở lại, gia tăng thị phần trước các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador…

Cảnh Kỳ Báo điện tử Tiền Phong