TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu tôm vượt kỳ vọng

Ảnh minh họa. Nguồn: fishtenet.gov.vn Nguyễn Nga

Trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại nhiều địa phương đã tăng mạnh. Người nuôi tôm thu được lãi lớn, nhất là với loại hình tôm thẻ, chỉ sau vài tháng thả nuôi. Thế nhưng, nhiều DN lại chỉ có thể hoạt động cầm chừng, do thiếu nguồn nguyên liệu. Những điểm yếu của ngành, một lần nữa, tiếp tục lộ rõ.

Niềm vui lớn

Ông Lý Văn Thuận - Tổng thư ký Hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (Casep) cho biết: Giá tôm sú loại 20 con/kg tiếp tục tăng mạnh lên mức 280.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 225.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng giữ giá ở mức 115.000-158.000 đồng/kg, tùy loại từ 60 con/kg đến 100 con/kg. Mức giá tôm nguyên liệu đã tăng lên cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Một phần nguyên nhân khiến giá tôm tăng mạnh là do thị trường xuất khẩu có nhiều thuận lợi hơn trước, nhu cầu tôm nguyên liệu cuối năm tăng cao. Dịch bệnh đã làm giảm nguồn cung cấp tôm từ một số nước sản xuất chính như Thái Lan, khiến gần 50% tôm nguyên liệu xuất khẩu bị hao hụt. Giá tôm tại các thị trường chính tăng từ 2-4 USD/kg so với cùng kỳ.

Trong khi đó, ở trong nước, dịch bệnh trên tôm nuôi trong 10 tháng được kiểm soát tốt, chỉ bằng khoảng 53,6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm đã trở thành cứu cánh cho ngành thủy sản năm 2013 khi tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 43% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, vượt xa cá tra. Theo ông Trương Đình Hòe, tỷ trọng của tôm đã tăng 7% so với mức 36% cùng kỳ. Xuất khẩu tôm năm nay chỉ sụt giảm vào tháng 2 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các tháng còn lại của năm đều tăng trưởng khả quan ở mức 2 con số. Đặc biệt, xuất khẩu tôm tháng 8 tăng tới trên 65%, tháng 9 trên 61%.

Một điểm nhấn khác đáng lưu ý là sự tăng trưởng mạnh của tôm thẻ chân trắng đã góp phần lớn cho sự tăng trưởng xuất khẩu tôm. Từ tháng 8, xuất khẩu tôm chân trắng đã vượt tôm sú với giá trị 180 - 190 triệu USD/tháng, tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm 2012 và chiếm 54-56% tổng xuất khẩu tôm.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2012. Trong đó, tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chân trắng đã tăng 95% và đạt 1,18 tỷ USD.

Lần đầu tiên sau 5 năm, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản, trở thành thị trường tiêu thụ tôm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với trung bình trên 100 triệu USD/tháng. Chỉ trong quý III, xuất khẩu đã tăng với tốc độ phi mã tới 3 con số, khi tháng 8 tăng 145% và tháng 9 tăng 139%. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong những tháng tới.

DN "đói” tôm nguyên liệu

Thế nhưng, cứ những lúc giá tăng mạnh, người dân được hưởng lợi như hiện nay thì cũng là lúc ngành hàng của chúng ta lại bộc lộ rõ nhất điểm yếu của mình. Nhiều DN cho biết: Hiện chỉ sản xuất được 40% công suất, bởi nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt. Ngoài lý do thuộc về sản lượng tôm trong dân không còn nhiều do vào cuối vụ thu hoạch, nguyên nhân chính vẫn thuộc về cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của hệ thống DN khi không có sự liên kết giữa DN - người dân, không thiết lập được chuỗi cung ứng phù hợp.

Vẫn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống DN. Đồng thời, do DN không chủ động kết nối với người dân, dẫn tới lượng lớn tôm vẫn chảy sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, chỉ bởi mức giá thương lái thu mua cao hơn DN trong nước, khiến nạn "đói” tôm nguyên liệu tại nhiều DN ngày một trầm trọng.

Cùng với đó, tranh thủ giá cao, nhiều địa phương đã tiến hành thả nuôi vụ tôm mới. Thế nhưng, tại nhiều địa phương vẫn chưa sản xuất được tôm giống. Ông Dương Tiến Thế - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: Việc sản xuất tôm giống của nước ta vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu lượng tôm bố mẹ, song quá trình quản lý, kiểm dịch tôm giống hiện nay còn nhiều bất cập. Vẫn tồn tại một lượng tôm giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sạch bệnh từ tôm gia hóa được đưa vào nuôi, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền mầm bệnh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Đáng lưu ý, dù tôm thẻ đang ngày càng thể hiện rõ ưu điểm của mình, song, giới chuyên gia nhận định: Việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ được tiến hành ở quy mô thâm canh, bán thâm canh và phải theo quy hoạch vùng cụ thể. Thế nhưng, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, đã xuất hiện hiện tượng xé rào quy hoạch.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, trong mùa tôm nước lợ 2013, diện tích thả nuôi chính vụ đã lên tới 15.000 ha, trong khi kế hoạch đề ra chỉ thả nuôi 7.000 ha tôm thẻ. Tại Bến Tre, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước 4.264 ha, tăng 67,7%, diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh 1.102 ha, giảm 21,1% so cùng kỳ.

Đặc biệt, tại Bạc Liêu, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã lên tới 6.000 ha, vượt gấp 6 lần kế hoạch năm 2013. Người dân đang nuôi tôm thẻ một cách ồ ạt thiếu quy hoạch, không theo quy trình kỹ thuật nuôi, dẫn tới nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Xuất khẩu thủy sản cán đích 6,5 tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong quý 4, xuất khẩu thủy sản vẫn kỳ vọng chủ yếu vào mặt hàng tôm. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra vẫn khó hồi phục, xuất khẩu cá ngừ và hải sản khác sẽ thấp hơn so với cùng kỳ. Tổng xuất khẩu thủy sản quý 4 ước đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012.

 

Nguyễn Nga baomoi.com