Nông dân ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau đang rất phấn khởi với những ao tôm thắng lợi. Đó là thành quả của sự chuyển giao kỹ thuật từ mô hình cánh đồng lớn nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước mà Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau lần đầu tiên triển khai trên vùng đất này.
Kỹ thuật bám rễ mô hình
Là vùng chuyển đổi đất sản xuất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm muộn so với các địa phương khác trong tỉnh, nông dân ấp 11, xã Khánh Tiến chủ yếu nuôi tôm quảng canh với kỹ thuật đậm chất truyền thống. Quanh năm, chỉ biết thả tôm giống mỗi tháng và cứ đến con nước là đặt lú, bắt tôm và bán, công việc trên lặp đi, lặp lại theo thời gian.
Hay tin từ cán bộ khuyến ngư cơ sở có mô hình mới về tôm nuôi tại địa phương, ông Nguyễn Trần Lĩnh mừng thầm và tìm đến đăng ký tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ít thay nước (mô hình mà gần như không khác gì so với cách nuôi truyền thống mà ông cũng như bao nông dân khác đang thực hiện).
Những buổi tập huấn đầu tiên, ông Lĩnh cũng như 44 hộ nông dân khác đều nghiêm túc ghi chép quy trình kỹ thuật, vừa học vừa cải tạo lại ao nuôi, ao gièo tôm. Nhất là khâu phơi đầm, cắt vụ tôm nuôi. Ông Lĩnh cầm sổ ghi chép kỹ thuật trên tay nói: “Từ ngày có kỹ sư về nông dân chúng tôi thay đổi thật sự rồi đó, nhờ ghi chép sổ tay cùng với kỹ thuật nuôi mà con số sản lượng hay lợi nhuận sau vụ nuôi có thể tính được hết như thế này. Không như trước kia anh em chỉ biết hỏi nhau sáng nay được bao nhiêu ký tôm mà không biết thả tôm đợt này hay vụ nuôi này lãi bao nhiêu”.
Ông Nguyễn Văn Dựa, thành viên mô hình, đã 77 tuổi và có nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm chia sẻ, ông thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhưng do còn “ham” nuôi tôm với mật độ dày tới 27.000 con (trong khi khuyến cáo chỉ 13.000), chính vì vậy mà ông chỉ thu được trên 500 kg và sẽ cao hơn nếu ông thả mật độ thưa hơn. Thả tôm với mật độ dày như thế là do trước đây ông Dựa cũng như nhiều nông dân trong ấp thả tôm giống trôi nổi, không có nguồn gốc, không kiểm dịch trước khi thả, không phơi đầm, thuốc cá và cải tạo môi trường trước khi thả tôm. Từ đó, tôm thả không đạt đầu con và mỗi tháng chắt mót tiền đặt lú để tiếp tục thả tôm giống và cứ thế thực hiện hàng năm.
Sự thành công của mô hình này tuy không có gì lạ đối với nhiều địa phương khác nhưng lại rất mới đối với nông dân tại ấp 11. Qua đây, các hộ dân mới nhận thức sâu hơn về yếu tố kỹ thuật trong nuôi tôm nhất là việc tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu cải tạo đến chọn giống và quản lý tôm nuôi.
Cùng làm giàu
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau Mã Quy cho biết: “Qua 3 mô hình được Trung tâm triển khai tại 3 huyện trong năm 2017 cho thấy, mô hình rất phù hợp với điều kiện của người dân; đã có trên 80% nông dân tham gia mô hình thành công, cho hiệu quả cao với sản lượng trung bình 300 kg/ha/vụ nuôi”.
Nông dân Biện Văn Tiến không giấu được niềm vui khi đến thời điểm cuối vụ ông đã thu về gần 50 triệu đồng, số tiền mà gia đình ông có được chỉ hơn 3 tháng nuôi bằng nhiều năm cộng lại. Ông cho biết: “Nông dân mình nuôi theo mô hình, kỹ thuật này sẽ giàu hết, nhiều hộ trúng đậm lắm, cách nuôi này thật sự đã mang đến cho người dân chúng tôi một cơ hội đổi đời và dần dần sẽ giàu có hết nếu thực hiện đúng quy trình”.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, các cán bộ kỹ thuật và người dân đã phân tích kinh nghiệm thành công của mô hình này chính là việc tuân thủ các yếu tố kỹ thuật, thả tôm giống chất lượng, được kiểm dịch, sử dụng ao gièo tôm, ghi chép nhật ký, chia sẻ thông tin cho nhau… Qua đó, các hộ dân đều mong muốn Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ duy trì và nhân rộng giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình.