Đặc điểm sinh học và cách sử dụng artemia

artemia, sử dụng artemia
Cập nhật 07/01/2016

Artemia được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Ấu trùng Artemia mới nở là thức ăn tươi sống lý tưởng dùng trong ương nuôi ấu trùng tôm, cá. Artemia có giá trị dinh dưỡng rất cao, là thức ăn giàu đạm, nhiều axitamin, axit béo thiết yếu, các vitamine, khoáng rất tốt cho giai đoạn sinh sản và tạo sắc tố. Vì vậy, chúng rất được ưa chuộng trong các trại sản xuất giống thủy sản và nuôi cá cảnh. Mặt khác, Artemia có thể được dùng “làm vật nhồi sinh học”. Tức thông qua Artemia người ta có thể đưa vào cơ thể vật nuôi các chất dinh dưỡng, các thuốc hay các hoạt chất mong muốn, bằng cách đưa chúng vào cơ thể Artemia (bằng cách ngâm hoặc cho ăn), sau đó cho vật nuôi (tôm, cá) ăn Artemia đã được qua xử lý.

1. Đặc điểm sinh thái, sự phân bố của loài

Artemia được tìm thấy ở khắp trên thế giới, từ vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới đến ôn đới, ở các hồ muối tự nhiên hay các ruộng muối nhân tạo. Trong tự nhiên, Artemia có thể tồn tại ở độ mặn từ 35‰ trở lên. Nhưng, vì chúng không có khả năng tự vệ và cạnh tranh thức ăn, nên chúng chỉ tồn tại ở những vùng biển có độ mặn > 70‰, nơi đây không có các sinh vật ăn Artemia tồn tại. Cũng chính vì thế, chúng ta chỉ tìm thấy Artemia ở những vùng biển có độ mặn cao. Chính nhờ khả năng sinh lý có thể thích nghi với độ mặn cao của Artemia đã tạo ra hàng rào sinh thái, để bảo vệ các quần thể Artemia trong tự nhiên. Tuy nhiên Artemia cũng sẽ chết ở độ mặn bão hòa của muối tức 250‰ do các quá trình stress sinh lý và rối loạn điều hòa áp suất thẩm thấu ở độ mặn quá cao.

Do Artemia không có khả năng phân tán tốt, nên gió và các loài chim nước (đặc biệt là chim hồng hạc) là các vật phân tán tự nhiên quan trọng nhất. Trong tự nhiên, ở một số thời điểm của năm, Artemia sản sinh ra các bào xác (trứng nghỉ) nổi trên mặt nước. Các bào xác nổi sẽ dính vào chân và lông chim, hay khi bị nuốt vào bụng, chúng vẫn còn nguyên vẹn ít nhất 2 ngày trong ống tiêu hóa của chim.
Các vùng biển nước ta có độ mặn thấp, vì thế hầu như không tìm thấy sự phân bố tự nhiên của Artemia, kể cả vùng biển Đông Nam Á.

2. Đặc điểm dinh dưỡng và tốc độ tăng trưởng

Artemia là loài ăn lọc, không chọn lọc thức ăn, chúng ăn mùn bã hữu cơ các vi tảo cực nhỏ, vi khuẩn… tại các vùng phân bố của Artemia, người ta nhận thấy cấu trúc sinh dưỡng (nguồn thức ăn) rất đơn giản và kém đa dạng về thành phần loài. Mặc khác, trong điều kiện độ mặn cao một cách khắc nghiệt, rất ít loài có thể tồn tại, vô tình làm cho các mô hình nuôi Artemia chỉ có thể phát triển nuôi độc canh.

Trong điều kiện nuôi luân canh Artemia trên ruộng muối, người dân tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho Artemia bằng cách bón phân (phân hữu cơ kết hợp vô cơ) hoặc cho ăn trực tiếp các loại thức ăn mịn như bột đậu nành, cám gạo…

Sau khi nở, giai đoạn ấu trùng đầu tiên (gọi là Instar I) có chiều dài 400 – 500 µm, có màu da cam nâu, giai đoạn này dinh dưỡng bằng noãn hoàng. Sau 8 giờ, chúng lột xác để phát triển lên giai đoạn 2 (Instar II) và bắt đầu sử dụng thức ăn bên ngoài, chúng lọc các hạt thức ăn nhỏ (có kích thước 1 – 50 µm) bằng râu thứ 2 rồi đưa vào ống tiêu hóa. Sau đó, chúng trải qua 15 lần lột xác trong khoảng 8 ngày để phát triển đầy đủ về hình thái và chức năng giống như con trưởng thành. Artemia trưởng thành dài khoảng 10 mm. Trong điều kiện nuôi, artemia phát triển và thành thục sau 2 – 3 tuần và tuổi thọ trung bình 40 – 60 ngày.

3. Đặc điểm sinh sản

Artemia thành thục sau khoảng 3 tuần nuôi. Artemia là một trong các loài giáp xác nhỏ chân mang. Artemia còn gọi là “tôm đồng muối”. Cũng giống như các động vật giáp xác nhỏ chân mang khác, Artemia có khả năng hình thành các phôi ngủ, được gọi là các “bào xác”. Tức khi gặp điều kiện bất lợi về môi trường, Artemia phóng thích trứng dưới dạng “bào xác”. Trong điều kiện khô, những bào xác này không hoạt động và không phát triển, sự phát triển của phôi tạm thời bị gián đoạn – “phôi ngủ”. Cho đến khi gặp môi trường thuận lợi: các bào xác chìm vào nước biển, chúng hút nước, phôi bắt đầu sự chuyển hóa để phát triển trở lại. Vì thế sau khi ấp trứng bào xác Artemia trong nước biển có sục khí nhẹ khoảng 20 giờ, các bào xác nở thành ấu trùng nauplius. Như vậy, Artemia có thể sinh sản bằng 2 phương thức, tùy vào điều kiện môi trường sống.

Phương thức đẻ con: trứng thụ tinh sẽ phát triển thành ấu trùng nằm trong dạ con, sau đó được con cái phóng thích ra ngoài môi trường nước.

Phương thức đẻ trứng: trứng thụ tinh và phôi chỉ phát triển đến một giai đoạn phôi vị thì tạm ngừng lại (phôi ngủ), phôi được bao bọc một lớp vỏ dày tạo thành trứng nghỉ (còn gọi là trứng bào xác), sau đó được con cái phóng thích ra ngoài.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy hàm lượng oxy hòa tan, độ mặn, biên độ dao động oxy và hàm lượng chất sắt trong thức ăn là các yếu tố quyết định phương thức sinh sản của Artemia. Cụ thể, trong điều kiện hàm lượng oxy hòa tan cao tương ứng với độ mặn thấp, biên độ dao động oxy hòa tan thấp và thức ăn nghèo chất sắt thì Artemia có khuynh hướng đẻ con và ngược lại, trong điều kiện độ mặn quá cao, hàm lượng oxy hòa tan thấp, biên độ dao động oxy hòa tan lớn, thức ăn giàu sắt thì Artemia có khuynh hướng đẻ trứng bào xác. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cũng cho rằng nhiệt độ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến phương thức sinh sản (đẻ con hay trứng) của Artemia.

Mỗi Artemia cái có thể đẻ 1.500 – 2.500 con/trứng bào xác.

II. Cách  sử dụng Artemia làm thức ăn cho tôm, cá con:

Artemia  được sử dụng làm thức ăn cho cá con là các nauplius (ấu trùng) của Artemia được cho nở từ trứng bào xác Artemia. Các trứng bào xác Artemia đã được sản xuất thương mại và bán rộng rãi trên thị trường.

1. Sinh lý của quá trình nở

Sự phát triển của một bào xác Artemia từ khi ấp trong môi trường nở tới khi nở ra các nauplius như sau:

Khi được ấp trong nước biển, bào xác có dạng hình lõm lòng chảo sẽ trương ra và trở thành hình cầu trong vòng 1 đến 2 giờ. Sau khi ngậm nước, vỏ bào xác sẽ vỡ ra. Sau đó, phôi tách rời khỏi vỏ và treo lơ lửng ở phía dưới vỏ rỗng (màng nở có thể còn dính với vỏ). Qua màng nở trong suốt, người ta có thể theo dõi sự phát triển qua các giai đoạn của ấu trùng nauplius. Sau khi màng nở vị vỡ, các ấu trùng bơi lội tự do được phóng thích.

2.Kỹ thuật ấp nở:

- Dụng cụ cần có: Cân, xô để ấp (tốt nhất là ấp trong bình tam giác) lưới lọc nước, ống dẫn khí, đá bọt, máy thổi khí, đèn neon.

- Điều kiện ấp:

Ánh sáng: Dùng đèn neon, đặt cách mặt nước bể ấp khoảng 20 cm

Nhiệt độ ấp: 28 – 30oC

Độ mặn: dùng nước biển có độ mặn 30 – 35‰

pH: 8 – 8,5

Mật độ ấp: 3 – 5 g trứng/lít

- Kỹ thuật: Nước được lọc sạch trước khi cho vào bể ấp; cân trứng theo mật độ, sục khí mạnh để cung cấp oxy và đảo trộn nhằm thúc đẩy quá trình hút nước của trứng và kích thích sự phát triển của phôi. Sau 20 – 24 giờ, trứng nở trên 90 %.

- Sau khi nở, trước khi cho tôm, cá con ăn, các ấu trùng Artemia (nauplius) được tách khỏi các chất thải khác như vỏ bào xác rỗng, bào xác không nở, cặn bã và vi sinh vật khác…). Sau khi tắt sục khí từ 5 – 10 phút, các vỏ bào xác sẽ nổi lên trên và có thể vớt ra khỏi mặt nước, các nauplius (ấu trùng Artemia) mới nở tập trung ở đáy (lớp trên), các bào xác không nở và cặn bã nằm ở đáy bể (lớp dưới cùng)

Ấu trùng Artemia dùng làm thức ăn rất tốt cho ấu trùng tôm (tôm nước mặn và tôm nước ngọt), cá biển, cá nước ngọt và cá cảnh. Đối với cá cảnh, có thể dùng Artemia trưởng thành còn sống, Artemia đông lạnh hoặc ấu trùng Artemia nở từ trứng bào xác để làm thức ăn. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng Artemia làm thức ăn cho cá cảnh có ảnh hưởng tích cực đến tỉ lệ sống và hàm lượng sắc tố (sự lên màu) của cá.

Tuy nhiên, có một trở ngại lớn khi sử dụng Artemia làm thức ăn cho cá nước ngọt vì trong nước ngọt, Artemia sẽ chết sau 3 - 60 phút. Vì vậy, cần chú ý chế độ cho ăn trong nước ngọt, có thể cho ăn theo phương pháp “lượng ít, lần nhiều”, tức cho ăn nhiều lần hơn với lượng thức ăn cho mỗi lần giảm đi.

Tài liệu tham khảo

Th.s Trần Bùi Thị Ngọc Lê (Theo FAO) - Khuyến nông TPHCM -12/2015

Thẻ