Kỹ thuật nuôi cá trắm giòn

TH
Cập nhật 20/12/2017

Quy trình nuôi cá trắm giòn tại Việt Nam

1. Chuẩn  bị ao, lồng nuôi:

Ao hoặc lồng nuôi phải bố trí ở những nơi có nguồn nước trong sạch, không có nguồn nước thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt chảy vào.

nuôi cá trắm giòn, kỹ thuật nuôi cá trắm giòn, nuôi cá trắm, kỹ thuật nuôi cá trắm

♦. Ao nuôi cần có diện tích 2.000÷5.000 m2, đáy ao được cải tạo, san bằng, nghiêng về cống thoát nước. Ao nuôi phải gần nguồn nước sạch và chủ động về điện, nước. Bờ ao chắc chắn, độ sâu của ao >2 m, độ sâu của mực nước 1,5÷2 m.

Đặc biệt, trong ao nuôi cá trắm giòn cần có thiết bị phụ trợ tạo dòng chảy, có thể dùng máy bơm hoặc quạt nước để kích thích cá thường xuyên hoạt động, bơi lội để thịt cá nhanh giòn. Trước khi đưa cá vào nuôi cần tháo cạn nước, nạo vét bùn, phát quang bờ, san lấp các hang hố. Sau đó dùng vôi để cải tạo đáy ao và diệt tạp (7÷10 kg vôi/100 m2, phơi nắng 3÷5 ngày. Sau khi cải tạo, cấp nước vào ao (1,5÷1,8 m, nước), nước phải trong sạch, không bị nhiễm bẩn, không bị vẩn đục.

♦. Lồng để nuôi là kiểu lồng truyền thống bằng gỗ tốt, một số nơi sử dụng lồng làm bằng xi măng, lưới thép, composite. Tùy theo điều kiện đầu tư mà lồng nuôi có kích thước khác nhau. Lồng cỡ nhỏ có thể tích <100 m3, dài 6÷8 m, rộng 3÷5 m, cao 2,5÷3 m. Lồng nuôi kích thước trung bình, thể tích 100÷500 m3 (9÷12 x 4÷9 x 3÷5 m). lồng loại lớn có thể tích 500÷1.600 m3 (12÷30 x 9÷12 x 4÷4,5 m).. 

Lồng được đặt nổi và neo cố định tại một vị trí thuận lợi trên sông (gần bờ dọc theo dòng nước chảy), có dòng nước chảy liên tục, mực nước sông tương đối điều hoà và phải cao hơn chiều cao ngập nước của lồng 0,3÷0,5 m.

2. Chọn và thả cá giống:

Đây là khâu rất quan trọng, bởi giống có tốt, khỏe mạnh thì cá mới đạt năng suất và chất lượng. Khi chọn giống và thả cá giống cần chú ý::

♦. Chất lượng con giống: Cá có khối lượng 1,8÷2 kg/con. Nên chọn loại cá có ngoại hình cân đối, không bị xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh, không dị hình, kích cỡ cá đồng đều, khỏe mạnh, linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, không có dấu hiệu bệnh.

♦. Phương pháp: Trước khi tiến hành các thao tác như vận chuyển cá đến ao, lồng nuôi mới cần tiến hành ép cá bằng phương pháp cho cá nhịn ăn khoảng 1 ngày. Cần chuyển cá vào lúc trời mát, sáng sớm hoặc chiều tối. Cá cần được tắm nước muối nồng độ 2% (2 kg muối/100 lít nước) hoặc kháng sinh 30 ppm trong 10 phút trước khi thả cá.

♦. Mật độ thả: Trong ao là 0,5÷1 con/m2, trong lồng là 5÷7 con/m2.

Nuôi trong ao có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép, các đối tượng nuôi ghep: cá chép, cá mè, cá rô đồng, . . . Tỷ lệ ghép thường 80% cá trắm và 20% các đối tượng ghép khác, riêng cá rô đồng nên nuôi ghép mật độ cao.

3. Quản lý và chăm sóc cá:

Cá được quản lý và chăm sóc tốt sẽ nhanh lớn, cho năng suất cao và chất lượng thịt thơm giòn, dai ngọt. Trong quá trình chăm sóc cá cần chú ý đến biện pháp cho cá ăn và loại thức ăn của cá trắm giòn.

Thức ăn của cá: Để có sản phẩm cá giòn không được cho cá ăn cỏ, cần sử dụng đậu tằm làm thức ăn cho chúng. Trước khi cho cá ăn, ngâm đậu trong nước ít nhất 24 giờ. Để phòng bệnh cho cá rửa sạch đậu bằng nước muối 1% (1 kg muối ăn/100 lít nước).

Biện pháp cho cá ăn: Thời gian đầu, sau khi cho cá ăn khoảng 3 tiếng cần kiểm tra xem cá có ăn hết hay không để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Vì đậu tằm chìm vào trong nước nên phải cho cá ăn ít một mới theo dõi được nhu cầu của chúng. Lượng thức ăn hàng ngày của cá bằng khoảng 2÷3% khối lượng đàn cá nuôi.

Cho cá ăn 1 lần/ngày, thức ăn cho vào máng đặt ở đáy ao hoặc đáy lồng nuôi. Trong quá trình nuôi cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá.

4. Quản lý môi trường ao, lồng nuôi cá:

Thường xuyên duy trì mức nước theo quy định, theo dõi chất lượng nước và có biện pháp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu thay. Cần định kỳ vệ sinh ao, lồng nuôi để phòng bệnh và làm cho cá sinh trưởng tốt hơn.

Trong quá trình nuôi cá trắm giòn có thể phòng bệnh cho cá bằng cách sử dụng tỏi xay nhuyễn hoặc vitamin C, vitamin tổng hợp trộn với thức ăn.

5. Thu hoạch:

Sau khi nuôi 8 tháng đến 1 năm cá đạt 2,5÷3,5 kg/con (có con đạt 5÷6 kg) tiến hành thu tỉa để giảm mật độ. Năng suất ước đạt khoảng >10 tấn/ha/vụ.

Nuôi á trắm giòn không khác nhiều so với nuôi cá truyền thống, chủ yếu là nguồn thức ăn từ hạt đậu tằm. Cây đậu tăm là cây họ đậu, không khó tính, có thể trồng được ở nhiều nơi, năng suất khá cao (6 tấn/ha/vụ). Cá có thể thu hoạch (đánh bắt tỉa) bán khi đã đạt khối lượng thương phẩm và có nhu cầu tiêu thụ.

Một số thông tin về đậu tằm nuôi cá trắm giòn:

Đậu tằm, đậu răng ngựa hay còn gọi là tàu kê. (danh pháp khoa học: Vicia faba) là loài thực vật thuộc họ Đậu) bản địa của Bắc Phi và Tây Nam Á, hiện được trồng khắp thế giới.

nuôi cá trắm giòn, kỹ thuật nuôi cá trắm giòn, nuôi cá trắm, kỹ thuật nuôi cá trắm

Hiện nay đậu tằm được trồng ở khoảng 47 nước, diện tích đạt khoảng 2,63 triệu ha, năng suất hạt 15,3 tạ/ha, sản lượng 4,03 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc và châu Phi. Từ năm 2009 một số giống đậu tằm lần đầu tiên đưa vào trồng thử, cho đến nay đã được trồng ở nhiều nơi của Việt Nam.

Hạt đậu tằm có hàm lượng protein 30%, đủ 8 loại axit amin thiết yếu Tinh bột: 49%, chất béo: 0,8%. Vì vậy, đậu  tằm là hạt giàu đạm, giàu  tinh bột và ít chất béo. Điều đặc biệt của hạt đậu tằm là khi sử dụng để nuôi cá chép, cá trắm cỏ thì sẽ làm cho chúng từ cá thường trở thành cá dòn, làm tăng chất lượng thịt ca và tăng hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nuôi.

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Kim Đường - nguồn TSKN

Thẻ