Mô hình: Nuôi bào ngư trên huyện đảo Phú Quý

Huỳnh Phượng
Cập nhật 16/04/2018

Mô hình: “Nuôi bào ngư vành tai thương phẩm bằng lồng bè”, do Trạm khuyến nông Phú Quý thực hiện được triển khai từ dự án: Xây dựng mô hình nuôi ốc hương, hàu thái bình dương, và bào ngư vành tai ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Hải đảo, của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Mô hình được thực hiện tại khu Lạch Dù, là nơi hội tụ các điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi.

Mô hình được thực hiện tại khu Lạch Dù, là nơi hội tụ các điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi, phía bên ngoài nhờ dải san hô che chắn hầu như kín gió quanh năm.

Điều kiện nuôi:

Độ mặn ổn định 33 – 35%o,

Độ pH từ 6,5 – 7,

Nhiệt độ nước từ 24 – 32oC,

Lưu tốc dòng chảy 2 - 4 m/giây.

Thiết kế lồng bè:


Lồng bè nuôi thương phẩm bào ngư vành tai thiết kế tương tự như lồng bè nuôi tôm hùm. Lồng nuôi có 2 lớp lưới, kích thước lớp lưới bên ngoài là 3m x 3m x 3.5m và lớp lưới bên trong 2m x 2m x 2,5m. Kích thước mắt lưới bên ngoài 2a là 2 cm, bên trong 2a là 3 - 4 mm tùy thuộc vào cỡ bào ngư để tránh bào ngư thất thoát ra ngoài. Khung bè được làm bằng gỗ chịu mặn loại 2, khung gỗ có kích thước dài  8 m x 9cm x 8cm, gỗ được ghép với nhau bằng bu lon sắt Ф 10 – 12cm, 12 thanh xà được ghép thành 1 lồng gồm 4 ô. Lồng bè được nâng nổi nhờ hệ thống phuy nhựa loại 200 lít nước. Mỗi lồng được dùng từ 10 đến 12 phuy, phuy được buộc chặt dưới khung lồng bằng dây giềng. Lồng bè được cố định bằng neo sắt có khối lượng 50 – 100 kg/cái.

Tùy theo bè mà có số lượng neo nhằm tạo sự bền vững cho lồng nuôi. Trên mỗi mặt lồng được thiết kế nắp lưới buộc chắc bằng dây và có thể mở ra khi cần, trên mặt lồng dùng các miếng xốp mỏng che chắn, tránh ánh sáng chiếu vào, vừa giảm quá trình tạo rong rêu, vừa tạo bóng mát cho bào ngư. Vật bám thường được làm bằng ống nhựa PPC, có màu tối, kích thước của một vật bám có chiều dài 30 - 40cm và đường kính 20cm, có hộ dùng phao tròn khoét lỗ và cho vật bám vào bên trong.

Tiến hành thả giống:

Cỡ giống bào ngư thả nuôi khoảng 7 mm/con, mật độ thả nuôi 1000 con/m2, trong quá trình nuôi được san thưa lúc bào ngư lớn. Khi bào ngư đạt khoảng 3cm, mật độ nuôi khoảng 400 - 500 con/m2.

Chăm sóc bào ngư:

Thức ăn bào ngư là các loại rong sẵn có trên đảo (có thể tươi hoặc khô). Trước khi cho bào ngư ăn cần lấy hết thức ăn dư thừa ra, sau đó mới đưa rong mới vào. Lượng rong cho ăn phải thừa không được để thiếu, nếu thiếu thì lần sau cho ăn phải tăng lên. Lượng thức ăn cho ăn bằng 10% - 30% trọng lượng thân. Nếu thức ăn là các loại rong khô thì trước khi cho ăn phải ngâm trong nước biển khoảng 30 – 60 phút.

Lượng thức ăn có thể thay đổi tùy theo nhiệt độ nước và mức độ tiếp nhận thức ăn của bào ngư. Thông thường, 2 - 3 ngày cho ăn 1 lần, mùa hè có thể 2 ngày 1 lần và mùa đông nếu nhiệt độ xuống thấp thì cho ăn 3 ngày 1 lần. Thường thì rải rong vào lúc 4-5 giờ chiều để tối bào ngư bò ra kiếm ăn.

Trong quá trình nuôi, định kỳ kiểm tra tỷ lệ sống và sinh trưởng của bào ngư. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, độ mặn, nhiệt độ, độ trong và màu nước. Nếu thấy có hiện tượng bất thường cần có giải pháp khắc phục ngay, di chuyển bè đến những địa điểm khác, có điều kiện môi trường thuận lợi cho phát triển của bào ngư. Theo dõi chặt chẽ hoạt động bắt mồi của bào ngư, nếu thấy khả năng bắt mồi của bào ngư kém phải kiểm tra các loại thức ăn có bị hôi, thối không; kiểm tra dòng nước chảy tại địa điểm đặt bè nuôi; Bào ngư với tập tính ăn khi nước có dòng chảy sẽ kích thích chúng bắt mồi rất tốt.

Hàng ngày phải kiểm tra lồng nuôi để tránh các địch hại vào trong lồng, đặc biệt cua và còng. Khi có bào ngư chết phải vớt ra khỏi lồng nuôi ngay, do chúng thường phân hủy rất nhanh làm cho môi trường trong lồng nuôi bị ô nhiễm dẫn đến nhiều cá thể bị chết. Định kỳ  4 đến 5 ngày, vệ sinh lưới và vật bám tạo điều kiện cho nước lưu thông bên trong lồng với bên ngoài tốt và tạo nơi sạch sẽ cho bào ngư ẩn, dùng bàn chải chà rửa sạch lưới và vật bám. Nếu lưới và vật bám quá nhiều hầu hà và rong rêu bám thì cần phải chuyển lồng và thay vật bám khác.


Bào ngư 7 tháng tuổi.

Sau thời gian nuôi 9 tháng bào ngư đạt kích cỡ trung bình đạt 6 cm/con. Dự kiến sau 14 – 15 tháng nuôi sẽ thu hoạch. 

Tài liệu tham khảo

http://www.khuyennong.binhthuan.gov.vn

Thẻ