Chuyên gia hướng dẫn trị bệnh sữa trên tôm hùm
TTKNQG
Hỏi: Gia đình tôi có lồng nuôi tôm hùm. Hiện nay tôm có hiện tượng giảm ăn, hoạt động kém, các đốt và cơ thịt ở phần bụng trắng đục, dịch tiết cơ thể bao gồm cả máu có màu trắng đục như sữa và khó đông. Xin hỏi tôm hùm bị bệnh gì và cách điều trị? Hoàng Nam, Khánh Hòa
Hướng dẫn điều trị bệnh sữa trên tôm hùm:
Theo như những gì bạn mô tả thì tôm hùm nhà bạn bị bệnh sữa. Khi phát hiện tôm hùm nuôi lồng bị bệnh sữa thì tiến hành điều trị theo các bước sau đây:
- Bước 1: Tách và tiêu hủy các cá thể bị bệnh nặng, chỉ giữ lại những cá thể còn ăn được thức ăn để tiến hành điều trị.
- Bước 2: Cho tôm ăn thức ăn trộn với kháng sinh tetracylin có bổ sung hoạt chất sinh học và chất kết dính.
Thực hiện theo thứ tự sau:
+ Chọn thức ăn tươi sống (cá liệt, cá sơn, cá mối,…) và cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ phù hợp cỡ miệng tôm hùm theo từng giai đoạn tôm nuôi;
(Lưu ý: rửa thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 2-3 ppm và để ráo thức ăn trong 10 phút trước khi cắt thành miếng nhỏ).
+ Trộn thức ăn với thuốc kháng sinh tetracylin (dùng trong thú y thủy sản), hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ 5,0g kháng sinh + 5,0g hoạt chất sinh học + 5,0 g chất kết dính/01 kg thức ăn;
+ Cho tôm ăn thức ăn đã trộn thuốc liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 01 lần vào 17-18 giờ;
Sau 07 ngày dùng thuốc, nếu thấy tôm vẫn còn bệnh thì tiếp tục cho tôm ăn thức ăn có trộn thuốc trong vòng 03 ngày, mỗi ngày 01 lần vào lúc 17 – 18 giờ (trộn thức ăn như mục 2 nhưng giảm một nửa lượng kháng sinh tetracylin: tỷ lệ 2,5g/01kg thức ăn). Lưu ý tách những cá thể bệnh nặng ra khỏi lồng nuôi tương tự như cách thực hiện ở Bước 1.
- Bước 3: Cho tôm ăn thức ăn bổ sung chế phẩm và hoạt chất sinh học:
Tiến hành ngay sau khi kết thúc bước 2, theo thứ tự sau:
+ Trộn thức ăn (thức ăn đã được xử lý như bước 2, mục 1) với chế phẩm sinh học, hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ: 5,0g chế phẩm sinh học + 5,0g hoạt chất sinh học + 5,0g chất kết dính/01 kg thức ăn;
+ Cho tôm ăn thức ăn đã trộn chế phẩm và hoạt chất sinh học liên tục trong vòng 07 – 10 ngày, mỗi ngày 01 lần vào lúc 17 – 18 giờ;
Lưu ý khi thu hoạch tôm: Chỉ thu hoạch tôm sau ít nhất 22 ngày sử dụng kháng sinh tetracylin để điều trị bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng.
Tài liệu tham khảo
Trung Tâm Khuyến Nông Quốc Gia
Thẻ
- Kỹ thuật nuôi tôm hùm lồng
- Kỹ thuật trong ương tôm hùm giống
- Kỹ thuật điều trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm
- Mô hình nuôi tôm hùm bằng chế phẩm sinh học
- Nuôi tôm hùm bông trong bể
- Quy trình nuôi tôm hùm bông trong bể
- Kỹ thuật nuôi tôm hùm
- Hướng dẫn tiêm kháng sinh Oxytetracyline trị bệnh sữa trên tôm hùm
- Kỹ thuật nuôi tôm hùm ở biển
- Phòng trừ một số bệnh thường gặp ở tôm hùm