Giảm tỉ lệ chết cho ếch nuôi trong giai đoạn nòng nọc

THANH TÂM
Cập nhật 09/10/2018

Hiện tượng nòng nọc chết hàng loạt giai đoạn đầu:

Phong trào nuôi ếch Thái Lan (Rana tigerina) đã có từ những năm  2001 – 2002 tại một số hộ ở Thành phố Hồ Chí  Minh, An Giang, Đồng Tháp, đến nay đã phát triển rộng khắp trên cả nước. Nhiều hộ nuôi đã chủ động được nguồn con giống do tự sản xuất bằng cách tận dụng diện tích nhỏ sẵn có tại gia đình để cho sinh sản và ương nuôi. Tuy nhiên, khó khăn đối với các hộ ương nuôi ếch thường xuyên gặp phải là hiện tượng nòng nọc trong bể ương chết hàng loạt (sau khi trứng nở vài ngày, nòng nọc nổi lên trên bề mặt và chết), có thể từ 90 – 100% trong giai đoạn đầu, đặc biệt là trong thời tiết mưa kéo dài, do mực nước tăng cao, có nhiều chất lơ lững, chất lượng nước không ổn định, rất dễ xảy ra nếu không có những biện pháp kỹ thuật quản lý tốt, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và nguồn thu nhập của người dân. 

Nguyên nhân:


Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nọc nòng chết hàng loạt, có thể do ếch bố mẹ sinh sản nhiều lần xảy ra tình trạng ếch con bị đồng huyết, sức đề kháng kém và chết yểu trong những ngày đầu. Đa phần người nuôi không có ao lắng lọc, không xử lý nước trước khi nuôi và trong quá trình nuôi quản lý các yếu tố môi trường không thật sự hiệu quả…dẫn đến sự phát triển của các loại kí sinh trùng, nấm và vi khuẩn đây là những tác nhân chính gây ra các bệnh thường gặp trên ếch. 

Giải pháp khắc phục

Nguồn nước ương: Nước bể ương nên sử dụng là nước từ sông, kênh mương không bị ô nhiễm, hạn chế sử dụng nước giếng khoan do chất lượng không ổn định, pH tăng cao và có nhiều chất lơ lửng.

Cần xử lý nguồn nước ban đầu: Tùy theo quy mô sản xuất, thiết kế một bể chứa nước có thể tích vừa đủ để xử lý, làm bể lắng lọc, cung cấp nước cho các giai đoạn ương, một bể nuôi tảo sử dụng cá rô phi để gây màu, để tạo sinh khối bể nuôi tảo phải chuẩn bị trước từ 05 – 07 ngày trước khi ương. 

Bơm nước vào bể lắng, xử lý diệt khuẩn và ký sinh bằng Iodine 10% với liều lượng 3 - 5 ppm và chất trợ lắng với hàm lượng 5 – 10 ppm hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tùy theo độ đục của nước vào bể khi bơm. Mục đích là diệt các mầm bệnh bên ngoài và làm trong nước nhờ sự kết tủa các vật chất lơ lững, phù sa trong nước. Những hạt phù sa là giá thể chủ yếu chứa nhiều kí sinh trùng, nấm và vi khuẩn, đây là nguồn gây bệnh chủ yếu trong mùa nước đổ, lắng được phù sa là loại được mầm bệnh trong nước cấp cho bể ương. Ngoài ra, chất keo tụ lắng trong nước rất an toàn cho vật nuôi, làm cho độ pH không bị tụt thấp đột ngột nên ít ảnh hưởng đến nòng nọc. 

Sau 12 giờ, lấy phần nước trong trong bể lắng cho vào bể ương ở mức nước 4 – 6 cm. Trại ương phải có nguồn nước chủ động, bể ương, bể nuôi tảo phải đặt ở nơi có đầy đủ ánh nắng, không bị bóng cây che khuất. Trong giai đoạn hiện nay, nhất là vào mùa mưa bão nên cần chuẩn bị dụng cụ che chắn như tol trong, bạt mũ trong đậy bể nuôi tảo.

Kỹ thuật uơng nuôi nòng nọc

Thu trứng ếch bố trí vào bể ương, mật độ 1000 – 3000 trứng/m2. Sau 18 – 24 giờ trứng sẽ nở, cho 100 – 200 lít nước trong bể nuôi tảo (tùy theo thể tích bể) và men vi sinh đáy có bán sẵn trên thị trường (định kỳ 5 – 10g/m3/5 – 7 ngày). Lắp đặt sục khí nếu mật độ ương quá dày và để nòng nọc phát triển nhanh. Tiếp tục cấp nước vào bể nuôi tảo và cho cá rô phi ăn 1 lần/ ngày. Đề phòng khi gặp mưa bảo kéo dài làm chết tảo trong bể ương ta có nguồn dự phòng cung cấp thêm.

Sau 24 giờ kể từ khi trứng nở, hoặc quan sát thấy nòng nọc bắt đầu tiêu hết noãn hoàng tiến hành cung cấp thức ăn bên ngoài: Các loại thức ăn rất đa dạng, có thể là cám đậm đặc 40 % đạm trộn với lòng đỏ trứng, lòng trắng trứng sống. Ngoài ra cho ăn thêm trùng đỏ, cá hay ốc xay nhuyễn,..cho ăn 4 lần/ ngày. 

Trong tuần đầu ương nòng nọc, mỗi ngày chỉ cần cấp nước thêm 3 – 5 cm so với mực nước trong bể, cho đến khi đến mực nước cần thiết 30 – 35 cm. Từ tuần thứ 2 – 4, do nòng nọc ngày một lớn, lượng thức ăn cung cấp ngày càng nhiều nên lượng chất thải càng cao, dinh dưỡng trong nước nhiều nên tảo rất dễ phát triển quá mức sẽ làm cho tảo bị chết làm mất cân bằng môi trường trong bể ương. Vì thế, phải chú ý duy trì màu nước luôn ở màu xanh lá cây, mỗi ngày có thể thay 20 – 40% lượng nước trong bể, tùy theo mức độ ô nhiễm của bể ương.

Tuần thứ 5, nòng nọc đã mọc chân trước và trèo lên giá thể sống có thể hô hấp bằng da và phổi nên chất lượng nước ít ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của nòng nọc. Lúc này, nòng nọc đã qua các giai đoạn nguy hiểm, không còn mắc phải tình trạng chết hàng loạt nữa.

Trong suốt quá trình ương cần thường xuyên thay nước, vệ sinh bể ương 2 ngày/lần, định kỳ 2 – 4 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng chất cho nòng nọc nhằm tăng cường sức đề kháng và đầy đủ các khoáng chất. Đặc biệt, cần hạn chế hướng đến không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh nằm trong danh mục cấm hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng làm ảnh hưởng đến chất lượng của ếch sau này khi đưa vào nuôi thương phẩm.

Khuyến cáo

Do nòng nọc lúc mới nở rất dễ nhạy cảm với môi trường nước, khi tuân thủ đầy đủ quy trình ương nuôi bằng những biện pháp nêu trên, có thể hạn chế tình trạng ếch chết hàng loạt trong giai đoạn nòng nọc, nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng ếch giống.

Tài liệu tham khảo
Thẻ