Kỹ thuật nuôi chạch đồng
TH
Hướng dẫn vắn tắt quy trình nuôi chạnh thương phẩm để bà con nghiên cứu áp dụng.
Mô hình nuôi cá chạch đồng
Nuôi trong ao: mực nước không quá 40cm, trong ao có các mương, hố sâu 50-60cm để chạch trú ẩn. Theo Việt Linh, bà con có thể thả bèo tây để tạo chỗ trú ẩn cho cá tránh nóng, tránh rét và làm sạch môi trường nước. Khi trời rét cũng có thể sử dụng rơm rạ thả cho cá trú ẩn, đồng thời bơm nước cao từ 70-80cm để nuôi xen canh với các loại cá khác như trắm đen, cá chép để tận dụng thức ăn dư thừa.
Nuôi trong ruộng: đáy bùn phải sạch, mức nước: 20 - 40 cm, độ dày bùn đáy: 15-20cm. Bón phân chuồng ủ hoai mục trước khi cấy lúa để tạo thức ăn tự nhiên cho chạch. Đào mương nhỏ rộng 1,2-1,5 m, sâu: 30-40 cm chạy dài quanh ruộng để cá trú nắng và tháo nước khi thu hoạch. Nuôi trong ruộng có thể đạt tỷ lệ sống 70-90%.
Nuôi ghép: Có thể nuôi cua kết hợp với chạch bùn nếu được cung cấp đủ thức ăn.
1. Chuẩn bị ao, bể nuôi chạch
Bà con có thể nuôi chạch ở ao đất, bể xi măng, bể lót bạt. Tùy theo điều kiện đầu tư để quyết định diện tích nuôi. Nên thiết kế ao, bể có diện tích vừa phải, từ 5- 10 m2 để dễ chăm sóc, quản lý, thu hoạch. Ao, bể chủ động nước, cống lấy nước vào, tháo ra đối diện nhau là tốt nhất, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
2. Chuẩn bị giống
Giống khai thác tự nhiên: bắt bằng đơm đó, chũm; không mua giống đánh bắt bằng điện. Giống phải đồng đều 4-6 cm, không xây xát, mất nhớt.
Giống nhân tạo: Khi ép đẻ cá chạch bùn, khó khăn nhất là thời gian nuôi từ trứng ra con giống dài từ vài li đến 3cm. Chạch bùn sau khi được 3cm sẽ sống khoẻ, nuôi dễ dàng.
Để tránh hao hụt nhiều, bà con nên mua giống cỡ lớn (khoảng 300 con/kg), chọn con giống đều cỡ, màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, không xây xát, không bệnh tật.
3. Quản lý và chăm sóc
Trước khi thả phải tắm chạch giống để phòng bệnh bằng nước muối 3% thời gian từ 10-15 phút, hoặc tắm bằng povidine liều lượng 5ml/m3 nước. Mật độ thả 30-50 con/m2. Chạch dễ nuôi hơn lươn, thức ăn của chạnh đơn giản hơn. Chạch ăn mùn bã hữu cơ, khi chạnh còn nhỏ cho ăn thức ăn có độ đạm trên 30%, sau đó giảm dần, nuôi 30 ngày sau dùng thức ăn có độ đạm 20 -25%, ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều tối). Có một điểm cần lưu ý khi nuôi cá chạch, đây là đối tượng không ưa ánh sáng nên người nuôi cần cho cá ăn vào lúc sáng sớm và chiều tối để cá ăn được nhiều, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm ao hồ. Trung bình 1,4 kg thức ăn cho 1 kg chạch thương phẩm. Sau 3 tháng là có thể bán thương phẩm.
4. Phòng bệnh và trị bệnh
- Phòng bệnh: Chạch ít bị bệnh hơn lươn, tuy nhiên nếu để nước ô nhiễm nhiều ngày thì chạch cũng dễ bị bệnh. Chạch có thể bị nấm, đốm đỏ lở loét, bệnh đường ruột... Để phòng bệnh nên trộn thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho chạch, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3-5 ngày liên tục. Ngoài ra còn phải cho ăn 4 đúng (đúng chất lương, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng vị trí). Chú ý thay nước định kỳ không để nước ô nhiễm.
- Trị bệnh: Khi phát hiện chạch bị nấm có thể tắm cho chạch bằng các loại hóa chất sau: nước muối 3%; hoặc KMn04 liều lượng 20g/m3 nước, thời gian 10-15 phút.
Trộn kháng sinh vào thức ăn cho chạch ăn: Doxycyline 0,2-0,3g/kg thức ăn; Oxytetracyline 2-4g/kg thức ăn, cho ăn 5-7 ngày liên tục.
5. Thu hoạch
Khi chạch đạt giá trị thương phẩm, trước khi xuất bán không cho chạch ăn trước 1 ngày, không dùng kháng sinh trước khi xuất bán 15 ngày. Đánh bắt cẩn thận không để chạch xây xát, cho chạch vào thùng xốp, không cho nước, hoặc cho ít nước để chạch không bị khô da.
Tài liệu tham khảo
2. http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn
3. http://hpstic.vn:96/ImageDatas/Post/suafile/57148-ntm.00_ky-thuat-nuoi-chach-dong.pdf