Áp lực vụ cá Nam
Vụ cá Nam chính thức “mở biển” từ đầu tháng 4, nhưng ngư dân hiện đang đối mặt với nhiều áp lực, chủ yếu là do chi phí tăng và khan hiếm nguồn lao động đi biển.
Chi phí tăng
Sau khi giá xăng, dầu và điện điều chỉnh tăng, các mặt hàng phục vụ khai thác hải sản như đá cây, nước uống, gas cũng tăng mạnh.
“Trước đây, mỗi chuyến biển tốn gần 200 triệu đồng phí tổn, nhưng hiện giờ đã tăng lên 250 triệu đồng, trong khi việc khai thác ngày càng bấp bênh, do nguồn lợi hải sản giảm, sản lượng đánh bắt thấp, giá cả cũng thường xuyên biến động”, ngư dân Nguyễn Văn Hiền, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết. Mặc dù tiết kiệm khá nhiều chi phí nhiên liệu, nhờ hoạt động theo mô hình khai thác – hậu cần nghề cá, nhưng ông Hiền cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo hoạt động cho 4 chiếc tàu công suất lớn.
Tàu cá của ông Châu Minh Hải, xã Phổ An (Đức Phổ) phải hoãn thời gian xuất bến, để đợi lao động.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Quang, ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng chật vật quay vòng vốn ngay từ đầu vụ cá Nam. Chuyến biển “mở hàng” cho vụ cá Nam, tàu ông Nam thu chưa được 10 tấn cá, nên cả chủ tàu lẫn lao động đều kém vui vì thu nhập thấp.
“Nhà nước cần theo dõi diễn biến và nguồn lợi hải sản ở các ngư trường. Từ đó nghiên cứu, đánh giá và xác định vị trí, trữ lượng hải sản của các ngư trường rồi thông tin, hướng dẫn rộng rãi, giúp ngư dân thuận lợi trong quá trình tổ chức khai thác, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Ngư dân ĐỖ TRƯỚC, xã Bình Châu (Bình Sơn)
Thiếu lao động
Thiếu lao động đi biển là một trong những khó khăn lớn nhất của ngư dân trong 5 năm trở lại đây, nhất là vào mùa cao điểm. “Thông thường, những tàu khai thác hải sản xa bờ trên 15 ngày cần 10 - 12 lao động, nhưng do không tìm được người, nên đôi lúc có chỉ 5 - 7 lao động cũng phải xuất bến, dù biết hiệu quả sản xuất không cao”, chủ tàu Châu Minh Hải, ở xã Phổ An (Đức Phổ) cho biết. Vì thiếu lao động, kéo theo thời gian bám biển phải kéo dài hơn so với kế hoạch, nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá bán sản phẩm.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, tình trạng thiếu lao động nghề cá đang là vấn đề nan giải, nhưng ngành thủy sản cũng lực bất tòng tâm. Bởi phần vì lực lượng lao động trẻ tuổi không muốn kế nghiệp nghề biển, mà muốn tìm việc trên bờ; phần do e ngại, vì chủ tàu chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để tăng mức độ an toàn và hiệu quả sản xuất. “Giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc đồng bộ và phối hợp chặt chẽ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc; cũng như tham mưu, đề xuất các giải pháp để khắc phục”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn cho biết.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần củng cố hoạt động của các tổ, đội tham gia đánh bắt hải sản, để hỗ trợ nhau trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nâng cao chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, đảm bảo kịp thời và hiệu quả thông tin giữa tàu cá và đất liền, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.