TIN THỦY SẢN

Chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Các hộ nuôi tôm tham gia tập huấn tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Ảnh: Thành Nguyên NT

Sáng ngày 12/4, tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát), Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc cho 20 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã.

Tại đây, các hộ nuôi tôm được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn công tác chuẩn bị xây dựng công trình nuôi (bao gồm các ao chứa nước, ao lắng, ao chứa nước thải, ao ương, ao nuôi thương phẩm và các công trình phụ trợ khác), kỹ thuật ương tôm và nuôi thương phẩm theo công nghệ Semi-Biofloc, quản lý thức ăn, quản lý môi trường nuôi, các biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng.

Trước đó, vào ngày 05/4, tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Trung tâm cũng đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc cho 20 hộ nuôi tôm.

Trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc với quy mô 1.000 m2/điểm trình diễn tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tuy Phước nhằm chuyển giao công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm cho người nuôi trong tỉnh. 

Đây là công nghệ nuôi mới, nếu áp dụng tốt vào nuôi tôm thương phẩm thì có thể giảm được dịch bệnh, hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh trong mỗi vụ nuôi. 

Qua đó, người nuôi giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, giúp nâng cao được giá thành sản phầm và hiệu quả kinh tế, thu nhập tăng hơn đáng kể so với trước đây.

NT