Đừng phụ lòng biển cả!
Biển cả luôn giàu có và hào phóng chờ đợi ngư dân, đất liền mong chờ nguồn lợi và nguồn lực từ biển, lẽ nào ngư dân phụ lòng biển, phụ lòng người trông cậy người trở về từ biển???
Việt Nam tự hào là quốc gia có biển. Biển gắn liền với người Việt Nam từ trong tâm thức nguồn cội “50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển”. Biển gắn bó với con người sâu sắc trong đời sống hằng ngày, biển giàu có và hào phóng ban tặng cho con người nguồn sống, sự sống. Biển được ví như lòng mẹ bao la và bao dung rộng lớn, biển như tình yêu, biển là tình yêu…
Với mỗi người Việt Nam, bất kỳ sự xâm hại nào đến biển, đến chủ quyền biển đảo, đều chẳng khác gì gây tổn thương trên chính cơ thể. Vì vậy, trước bất cứ sự cố nào về môi trường hay về chủ quyền, triệu triệu con người đều nhất tề cố kết để bảo vệ, gìn giữ, đẩy đuổi và ngăn chặn. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình yêu, thiêng liêng bất khả xâm phạm.Chủ quyền biển đảo là tối thiêng liêng, người Việt Nam đời này qua đời khác truyền ngọn lửa tình yêu đất nước, yêu biển cả, và sẵn sàng xả thân vì mỗi tấc đất, vùng trời, vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Cách đây hàng trăm năm, chỉ với những bè mảng, những chiếc thuyền thô sơ, ông cha ta đã vượt trùng trùng sóng gió để bám biển, giữ gìn chủ quyền Tổ quốc ở vùng biển đảo muôn vàn xa xôi cách trở, không quản ngại bão tố phong ba.
Sự xâm phạm của giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 cách đây 3 năm, hay sự cố môi trường biển cách đây vừa tròn 1 năm, Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh thành, toàn thể nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đều đồng thuận một lòng kiên quyết đấu tranh để ngăn chặn sự xâm phạm, tập trung giải quyết sự cố.
Trước sức mạnh bảo vệ chủ quyền của người Việt Nam và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giàn khoan khổng lồ 981 đã bị đẩy đuổi. Trước sự vào cuộc đầy nghiêm túc, trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, sự cố môi trường biển đã tìm ra tác nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng và buộc họ cúi đầu xin lỗi, nhận trách nhiệm và thực hiện bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, khắc phục sự cố môi trường biển. Đó là tinh thần đấu tranh với quyết tâm cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, được cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận quốc tế ghi nhận.
Do sự cố môi trường biển, sự cảnh báo của các nhà khoa học, cùng với tâm lý tiêu dùng bị ảnh hưởng, có một khoảng thời gian hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề nhất là vùng ven biển thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
Những vùng chịu ảnh hưởng, thiệt hại, đã nhận được sự quan tâm bằng các chính sách hỗ trợ thiệt hại. Cộng đồng xã hội có nhiều hoạt động từ thiện, thiện nguyện, hoạt động chung tay khắc phục sự cố môi trường và chia sẻ khó khăn với các ngành nghề, với những lao động gắn với nghề biển. Thời gian này, tinh thần đồng cam cộng khổ, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau lại được tỏa sáng, nhân lên. Trong khó khăn lại tỏa sáng tình người.
Khu vực ven biển Nghệ An được đánh giá là ít chịu tác động của sự cố môi trường, chỉ ảnh hưởng nhẹ về mức độ tiêu thụ trong thời gian ngắn, sau đó hoạt động khai thác, đánh bắt nhanh chóng trở lại nhịp độ thường ngày. Ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò vẫn ngày đêm bám biển, bám và mở rộng ngư trường, vừa đánh bắt khai thác vừa giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân lại có thêm tàu to, tàu vỏ sắt, mua sắm ngư cụ hiện đại. Không những không còn ảnh hưởng của sự cố, mà còn liên tiếp những mẻ cá thắng đậm, những mùa khai thác thắng lợi về sản lượng đánh bắt, giá cả thủy sản cũng ngày càng tăng.
Cùng với đó, hoạt động khai thác đánh bắt thủy hải sản của các khu vực ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… cũng dần qua giai đoạn khó khăn, từng bước hồi phục và đã rút ngắn thời gian trở lại nhịp độ bình thường một cách vô cùng đáng mừng.
Biển đã không phụ lòng người, biển dần trả lại cho con người khát khao được chinh phục, được làm nghề và làm giàu từ biển. Biển cả bao dung như lòng mẹ luôn trông ngóng và mong chờ những ngư dân – người bạn của biển, ngày đêm bám biển để được biển dâng tặng những sản vật để đền đáp cho ý chí, bản lĩnh giám đương đầu với muôn vàn khó khăn để giữ trời giữ biển quê hương.
Biển khơi giàu có và bao la luôn đón chờ và không phụ lòng những ngư dân cần cù làm lụng, luôn đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực lao động để đem lại đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình, làm giàu cho cuộc sống gia đình, đem lại sự bình yên cho làng quê, cho xã hội.
Ở những vùng ven biển cũng như bao vùng quê khác, con trẻ cần đường sữa, cần tiền để mua đồ dùng học tập, người già cần được chăm sóc và thuốc thang, mọi người đều cần có thu nhập để trang trải cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với xã hội. Tất cả điều đó, với gia đình ngư dân phần lớn đều trồng chờ và phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt, khai thác, bám biển.
Biển chờ ngư dân, đất liền mong chờ nguồn lợi và nguồn lực từ biển, lẽ nào ngư dân phụ lòng biển, phụ cả lòng người luôn vì biển, yêu biển và trông cậy vào những người trở về từ biển. Có lẽ nào???