Làm giàu từ ngư trường
Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Những năm qua, kinh tế thủy sản đang từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với sản lượng khai thác luôn đạt trên 64.000 tấn/năm. Bà con ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển, làm giàu từ ngư trường.
Vươn khơi làm giàu
Vừa trở về sau một chuyến khai thác tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ, anh Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tiến Tới (Hải Hà), chủ tàu QN-90166 TS, phấn khởi cho chúng tôi biết: Ngay từ đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân xã Tiến Tới đã tích cực bám biển, vươn ra khai thác tuyến khơi. Những tháng đầu năm nay, do thời tiết ấm hơn mọi năm nên tình hình khai thác cũng khá thuận lợi. Đặc biệt, mực và đàn cá nổi cũng xuất hiện nhiều hơn nên sản lượng khai thác mỗi chuyến cũng khá cao. Có những mẻ lưới, tàu của tôi thu được hơn 2 tấn mực, cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hiện nay, đội tàu khai thác của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tiến Tới có 26 tàu công suất từ 90CV trở lên tham gia khai thác thuỷ sản tại vùng khơi Vịnh Bắc Bộ và khu vực thượng, hạ Mai (Cô Tô) với 168 thành viên, trong đó có một số tàu đóng mới với công suất 750CV. Từ đầu năm, các tàu khai thác của Nghiệp đoàn đã tích cực bám biển nên sản lượng khai thác mỗi chuyến đi biển cũng cao hơn. Bình quân mỗi chuyến khai thác, sản lượng đạt hơn chục tấn cá, mực các loại, trừ chi phí cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Tại TP Cẩm Phả, Nghiệp đoàn nghề cá phường Cẩm Thủy cũng đạt sản lượng khai thác khá cao. Vừa cùng các thuyền viên chuẩn bị ngư cụ và các vật dụng cho chuyến ra khơi tại khu vực Bến Do (Cẩm Phả), anh Đinh Hữu Hường, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Cẩm Thủy, chủ tàu QS-90368 TS, cho biết: Được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã vay vốn đóng mới tàu cá công suất 829CV với số vốn đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng. Thường những tháng đầu năm sản lượng khai thác đạt thấp, nhưng năm nay, do thời tiết ấm hơn nên các tàu khai thác tuyến khơi đạt sản lượng khá cao. Mới đây, tàu tôi ra khơi 7 ngày ở khu vực Vịnh Bắc Bộ đã khai thác được hơn 10 tấn thủy sản các loại, trong đó có khoảng 7 tấn cá tạp, hơn 2 tấn mực và hơn 1 tấn cá ngon. Mặc dù giá bán có thấp hơn mọi năm nhưng cũng thu được hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, Nghiệp đoàn chúng tôi có 19 tàu công suất từ 90CV đến 829CV với 96 thành viên.
Không chỉ các tàu khai thác tuyến khơi cho sản lượng cao mà các tàu khai thác tuyến lộng cũng có thu nhập khá, trong đó có tàu của anh Nguyễn Văn Hiếu khai thác tại khu vực hạ Mai (Cô Tô), sau một chuyến khai thác cũng đạt 160 triệu đồng.
Động lực để ngư dân bám biển
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho bà con ngư dân khai thác thuỷ sản, đặc biệt là đội tàu khai thác tuyến khơi. Số ngày bám biển của bà con ngư dân đạt từ 19-25 ngày/tháng đối với tàu khai thác ven bờ; 15-20 ngày/tháng đối với tàu khai thác xa bờ. Tổng sản lượng khai thác vụ cá Bắc năm nay (từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) đạt hơn 31.700 tấn, trong đó sản lượng cá đạt hơn 17.800 tấn, tôm hơn 3.900 tấn. Những tháng đầu năm nay, đàn mực nổi đến sớm và kéo dài nên sản lượng mực tăng, đạt hơn 2.400 tấn.
Bên cạnh việc thời tiết và ngư trường khá thuận lợi, một số chính sách của Nhà nước hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, thiết bị bảo quản đã được triển khai đến bà con ngư dân, nên đã tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác hải sản.
Một chuyến ra khơi của gia đình ông Trần Văn Công (Nghiệp đoàn nghề cá xã Tiến Tới, huyện Hải Hà).
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngư trường hoạt động chủ yếu của các đội tàu khai thác hải sản xa bờ của tỉnh là khu vực phía Đông đảo Cô Tô, quanh đảo Bạch Long Vĩ và vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Nghề khai thác hải sản xa bờ có hiệu quả tương đối cao, nghề chài chụp kết hợp ánh sáng hoạt động rất hiệu quả, thu lớn nhất là sản lượng mực và cá nục, một chuyến đi biển từ 5-7 ngày cho từ 4-6 tấn mực và 15-18 tấn cá nục. Tổng doanh thu trung bình của một tàu đạt từ 315-460 triệu đồng/chuyến, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình đạt khoảng 200 triệu đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 9.040 tàu cá lắp máy, trong đó có 722 tàu công suất trên 90CV hoạt động khai thác tuyến lộng và tuyến khơi. Để nâng cao hiệu quả khai thác cho bà con ngư dân, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương phát bản đồ ngư trường, phân bố các loài thuỷ sản cho ngư dân; đẩy mạnh công tác kiểm tra an toàn tàu thuyền, cấp đổi và gia hạn giấy phép khai thác, triển khai các chính sách hỗ trợ đối với ngư dân khai thác trên các vùng biển xa... để bà con thuận lợi vươn khơi bám biển. Trong những tháng cuối năm, Chi cục tiếp tục chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi để bám biển, nâng cao sản lượng của các đội tàu khai thác thủy sản, phấn đấu sản lượng vụ cá Nam đạt trên 33.000 tấn.