Làng nghề đón lũ
Theo dự báo, nước lũ năm nay sẽ về sớm và có nhiều khả năng cao hơn những năm trước. Đón lũ về, nhiều tháng nay, các cơ sở sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản như: làng lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt), làng hến Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) đã sôi động hẳn lên, đón mùa lũ với hy vọng “bội thu” từ việc kinh doanh dụng cụ và đánh bắt thủy sản...
Sôi động làng nghề
Những ngày này, không khí tại làng lưới Thơm Rơm trở nên nhộn nhịp và sôi động hơn bao giờ hết. Từ khoảng 5 giờ sáng, hoạt động mua bán, vận chuyển các ngư cụ đánh bắt thủy sản đã làm huyên náo cả một đoạn đường quốc lộ 91, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Ông Lê Hữu Quí, chủ cơ sở sản xuất lưới Hữu Tý tại làng lưới Thơm Rơm, phấn khởi cho biết: “Năm nay, bà con làng lưới tất bật hơn mọi năm, vì đơn đặt hàng nhiều. Nhìn vào cảnh buôn bán tấp nập tại làng nghề vào buổi sáng thì sẽ biết ngay, người và xe cộ đông đúc như một cái chợ. Nhân công tại cơ sở của tôi cũng tăng lên và làm việc cả ban đêm mới đủ lưới giao cho khách hàng”.
Công việc sản xuất, buôn bán lưới diễn ra khá tấp nập tại làng lưới Thơm Rơm. Ảnh: Hà Văn
Theo ông Quí, cơ sở của ông hiện có hơn 30 người thợ làm việc không nghỉ tay từ sáng sớm cho đến 5 giờ chiều. Thậm chí có người làm cả ban đêm để tăng thêm thu nhập. Anh Bùi Văn Giang, thợ làm lú tại Cơ sở sản xuất lưới Hữu Tý, cho biết: “Nhiều ngày qua, anh em ở đây ai cũng bận rộn với công việc, vì số lượng đơn đặt hàng nhiều nên phải tranh thủ làm kịp giao cho khách đúng hẹn. Mỗi ngày, một thợ lành nghề cũng kiếm được từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Có hôm tăng ca, thu nhập khá hơn từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất còn giao hàng (các loại lưới) gia công tại nhà cho nhiều hộ dân tại địa phương làm phụ. Nhờ đó, bà con địa phương có thêm thu nhập khi mùa lũ sắp về”.
Trong thời gian nghỉ hè, nhiều em học sinh ở phường Tân Hưng và các phường lân cận cũng hăng hái tham gia thực hiện một số công đoạn, như: đạp chì lưới, bẻ khung lú... để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, lo chi phí cho năm học mới. Em Nguyễn Thành Hiếu, ở phường Tân Hưng, cho biết: “Công việc đạp chì lưới không nặng nhọc lắm nên em cũng tham gia. Mỗi ngày làm việc, em kiếm được 100.000 đồng. Em tích góp, dành dụm tiền để mua tập, sách, quần áo mới chuẩn bị cho năm học 2017-2018”.
Còn ở làng hến ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh cũng nhộn nhịp hơn so với những tháng trước. Nhiều bà con ở đây cho biết, nghề cào hến làm được quanh năm, tuy nhiên tập trung nhiều nhất vào những tháng nước nổi. Khi ấy, nước đỏ phù sa đổ về, hến phát triển tốt, nhiều và dễ bắt. Vì thế, hàng trăm người dân ở đây đua nhau làm nghề trong những tháng này. Ông Nguyễn Văn Bột, người có “thâm niên” trong nghề cào hến, cho biết: “Cào hến phải trông chờ vào thời tiết, thời điểm nhiều hến nhất bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, nhất là khi mùa nước nổi về, bà con ở đây ai cũng hân hoan vì hến nhiều, thu nhập cao hơn những tháng khác. Nhiều hộ ở làng hến này bắt đầu sửa chữa ghe, xuồng, sắm thêm giàn cào để vào mùa bắt hến”.
Để có điều kiện đầu tư nguyên liệu sản xuất cũng như phương tiện đánh bánh thủy sản, bà con làng nghề cũng đang cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho việc đầu tư vốn sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Ổn định phát triển
Theo bà con tại làng lưới Thơm Rơm, các sản phẩm của làng lưới được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thượng nguồn dòng Me Kong, như: An Giang, Đồng Tháp, Long An và cả các nước như Campuchia, Lào, Thái Lan. Do đó, số lượng tiêu thụ ít nhiều phụ thuộc vào dòng nước lũ đổ về mỗi năm. Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn về rất thấp nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của làng nghề. Để đảm bảo đầu ra sản phẩm, nhiều chủ cơ sở sản xuất ngư cụ tại Thơm Rơm đã chủ động tìm đến các thị trường thuộc các tỉnh ven biển từ Mũi Cà Mau đến các tỉnh duyên hải Miền Trung. Ông Phan Minh, một trong những người có thâm niên trong làng lưới Thơm Rơm, cho biết: “Để duy trì làng nghề, các thợ làm lưới phải mày mò tạo ra các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu như trước đây chỉ dựa vào mùa nước nổi, thì giờ đây các sản phẩm của làng lưới Thơm Rơm đã có mặt hầu hết các tỉnh ven biển từ miền Nam đến miền Bắc. Năm nay, dự báo lũ về sớm và cao hơn những năm gần đây, bà con làng nghề tận dụng cơ hội này để tập trung sản xuất, cung cấp sản phẩm cho người đánh bắt thủy sản, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương”.
Cũng theo ông Phan Minh, sản phẩm tạo ra được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước là nhờ người thợ mày mò, gia công tỉ mỉ các ngư cụ đánh bắt cá. Lâu ngày, các sản phẩm càng thêm hoàn thiện và mang lại hiệu quả đánh bắt cao. Hiện nay, công việc của những người thợ làm lưới đã đỡ vất vả hơn trước. Bởi, nhiều cơ sở sản xuất tại làng lưới Thơm Rơm đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị nhằm hạn chế sức lao động chân tay. Tuy nhiên, năm nay chi phí sản xuất như nguyên vật liệu, nhân công, vận chuyển… đều tăng nên giá các mặt hàng cũng tăng từ 15% đến 20%. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, cho biết: “Làng nghề Thơm Rơm hiện đang giải quyết bài toán lao động nông thôn cho khoảng 3.000 người. Hiện quận Thốt Nốt và TP Cần Thơ đang có nhiều chính sách về vay vốn, đào tạo nghề để người dân tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất”.
Ở huyện Vĩnh Thạnh cũng thực hiện các giải pháp hỗ trợ làng nghề phát triển. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Làng nghề cào hến hình thành đã góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều hộ gia đình tại địa phương, giúp bà con ổn định cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm địa phương. Làng nghề được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, đồng thời hỗ trợ vốn để bà con mua sắm phương tiện đánh bắt thủy sản, cào hến... kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống trong mùa lũ năm nay”.