TIN THỦY SẢN

Lo "bão" ở trên bờ

Khu neo đậu tránh trú bão ở xã Triệu An, H.Triệu Phong quá chật chội. ẢNH: NGUYỄN PHÚC Nguyễn Phúc

Đó là nghịch lý mà nhiều ngư dân Quảng Trị đang đối mặt, kể cả “chủ nợ” của họ gồm các ngân hàng thương mại bỏ vốn cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ, do thiếu nơi neo đậu an toàn.

Trong cuộc đối thoại lần đầu tiên tổ chức hồi cuối tháng 9 để tháo gỡ vướng mắc trong việc cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 tại Quảng Trị, ông Nguyễn Sỹ Hồng, Giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển VN chi nhánh Quảng Trị, đã khiến nhiều người giật mình khi nhận xét: “Dự báo thời tiết bây giờ khá chuẩn, có bão thì các các tàu lập tức chạy vào. Khổ nỗi, khi vào bờ thì tàu vẫn tan hoang vì… không có nơi neo đậu tốt”.

Khan hiếm chỗ đậu

Các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão ở Quảng Trị có quy mô nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân, nhất là sau khi Chính phủ cho đóng mới thêm hàng loạt tàu “khủng” theo Nghị định 67 thì chuyện tìm chỗ neo đậu tàu thuyền càng thêm bức bách. Đơn cử, khu neo đậu tránh trú bão ở Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) gần như vô dụng do luồng lạch vào cửa bị bồi lấp nghiêm trọng. Vì thế, tàu cá dồn hết về hướng Cửa Việt, trong khi tại khu vực này cũng chật chội với cảng cá đặt ở TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) và khu neo đậu tránh trú bão ở thôn Hà Tây, xã Triệu An (H.Triệu Phong, phía đối diện TT.Cửa Việt).


Tàu vỏ thép xuất hiện càng khiến cảng cá Cửa Việt trở nên nhỏ bé ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Ngư dân Trần Việt Thành, chủ tàu cá QT- 91018 TS, cho biết âu tàu tại thôn Hà Tây vốn cách trở với ngư dân Cửa Việt, nhưng vì không có chỗ trú nên mỗi lần có bão mọi người đành chen nhau vào đây neo đậu, gây quá tải. Nhưng tại âu tàu này, chỉ cần gió mạnh cấp 6 thì ngư dân đã phải… kéo tàu lên bờ. Do thiếu nơi neo đậu, ngư dân đành đậu tạm ở cảng cá Cửa Việt, nơi chỉ “đón” được khoảng chục chiếc tàu, nếu là tàu vỏ thép thì chỉ 3 chiếc là đã hết chỗ!. “Nhưng chỉ là lúc trời yên biển lặng, chứ bão vào thì chúng tôi phải chạy mỗi người mỗi hướng. Có tàu chui vào tận những luồng lạch sâu trong đất liền, khi kéo tàu ra rất vất vả”, anh Thành kể. 

Neo đậu chen chúc, chật chội như vậy, nên vài năm qua đã có không ít vụ các tàu cá hư hỏng vì va đập dù đã vào neo trong bờ.

Có tiền nhưng chưa biết cách tiêu!

Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, tính toàn bộ các vị trí hiện có, địa phương này chỉ đáp ứng được trên dưới 50% nhu cầu neo đậu, tránh trú bão của tàu cá. Chính vì thế, từ năm 2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão bắc Cửa Việt rộng 6 ha, đặt trên sông Hiếu đoạn giữa xã Gio Mai và Gio Việt (H.Gio Linh), sức chứa trên dưới 300 tàu thuyền vào trú bão cùng lúc.

Tuy nhiên, do nguồn vốn địa phương hạn hẹp nên dự án vẫn chưa được đầu tư, dù đã xác định nguồn kinh phí. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra, Chính phủ đã đồng ý sử dụng nguồn vốn 400 tỉ đồng cho Quảng Trị xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thủy sản phục vụ hoạt động nghề cá trên địa bàn, trong đó có dự án khu neo đậu tránh trú bão bắc Cửa Việt (số vốn 120 tỉ đồng).

“Sở đã cơ bản hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư. Nhưng hiện nay do chưa có cơ chế, Chính phủ chưa ban hành quy chế đặc thù cho khoản đầu tư lấy từ nguồn đền bù của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa nên chưa có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo”, ông Bình giải thích nguyên do.

Từ tháng 11.2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình gửi Bộ NN-PTNT, Văn phòng Chính phủ phản ánh câu chuyện về “cơ chế giải ngân tiền đền bù” này, nhưng qua gần 1 năm vẫn chưa có hướng dẫn từ Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT. Vì vậy, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị trung ương “gỡ bí” về nguồn vốn và xin cơ chế đặc thù để đầu tư, sớm thỏa mãn nguyện vọng của bà con ngư dân.

Nguyễn Phúc Báo Thanh Niên