TIN THỦY SẢN

Ngư dân lo lắng vì phí tổn tăng, giá thủy sản giảm

Tàu cá ngư dân huyện Hoài Nhơn cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm. Đoàn Ngọc Thuận

Thời gian qua, xăng dầu tăng giá đã kéo giá các mặt hàng, dịch vụ tăng lên khiến phí tổn các chuyến biển tăng theo, trong khi giá thủy sản giảm mạnh, khiến ngư dân gặp khó.

Theo thống kê của ngành Thủy sản, tỉnh ta hiện có 6.232 tàu cá, trong đó có 3.038 tàu hoạt động tại vùng khơi, số còn lại hoạt động tại vùng lộng và ven bờ. 6 tháng đầu năm, ngư dân trong tỉnh đánh bắt ước đạt hơn 123 nghìn tấn thủy sản, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018; riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt hơn 7.200 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù sản lượng thủy sản khai thác đạt mức cao, nhưng do phí tổn tăng, giá thủy sản giảm sâu nên nhiều ngư dân kém vui, thậm chí lo lắng. Ngư dân Nguyễn Văn Khoa, ở xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, thổ lộ: “Từ đầu năm đến nay, tàu tôi ra khơi được 4 chuyến, trong đó có 2 chuyến lỗ tổn, 1 chuyến đủ tổn, còn chuyến này thì đánh được 28 tấn cá dưa gang, nhưng giá cá chỉ 23.000 đồng/kg, giảm gần 6.000 đồng/kg, tính ra chỉ lãi được 150 triệu đồng”.

Vừa cho tàu cập cảng cá Quy Nhơn để bán sản phẩm, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Võ Văn Toàn, ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trước đây, khi giá dầu chưa tăng thì phí tổn chỉ từ 110 - 120 triệu đồng/chuyến biển, năm nay giá dầu tăng gần 5.000 đồng/lít, các mặt hàng khác như: Đá lạnh, nước, thực phẩm… tăng lên, phí tổn mỗi chuyến biển cũng tăng thêm 30 - 40 triệu đồng”.

Giá thủy sản giảm sâu, việc đánh bắt thu không đủ bù chi, không ít tàu cá bị lỗ tổn. Chủ tàu vỏ thép Phạm Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, cho biết: “Giá cá mực liên tục giảm, nên việc đánh bắt gặp khó khăn hơn năm ngoái. Giá mực hiện tại từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, giảm 16.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm; giá cá nục, lồ ồ dao động 100 - 130 nghìn đồng/kết (khoảng 10 kg/kết), giảm 50.000 - 80.000 đồng/kết. Năm ngoái, tầm này, với sản lượng đánh bắt 30 tấn tôi thu được 600 triệu đồng. Chuyến biển vừa rồi, tuy tàu tôi đánh bắt được tới 33 tấn cá mực, nhưng chỉ thu được có 250 triệu, tôi lỗ 100 triệu đồng tiền thuê bạn”.

Bà Hồ Phan Thị Thắm, một chủ nậu mua gom hải sản ở xã Cát Khánh, cho hay: “Hải sản giảm giá sâu chủ yếu do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, trong đó giá giảm mạnh nhất là mặt hàng cá, mực nguyên con muối đá xuất thô, còn cá, mực khô thì giá vẫn tương đối ổn định. Lâu nay chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Mình phụ thuộc quá nhiều vào họ nên bên đó chỉ vừa mới “lương ương” là bên mình đã mệt rồi, biết vậy nhưng vẫn chưa tìm ra thị trường mới”.

Việc tìm bạn đi biển là câu chuyện dài của nhiều chủ tàu cá. Nhiều tàu đánh bắt không hiệu quả, bạn bỏ hết sang tàu khác làm, đành phải nằm bờ. Ðể khắc phục tình trạng thiếu lao động nghề biển, ngư dân đã từng bước đầu tư máy móc, thiết bị để đánh bắt hiệu quả, giảm bớt sức lao động trên biển.

Ngư dân Nguyễn Văn Trạng, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), tâm tình: “Mỗi chuyến đi biển nếu có 10 - 12 lao động là có thể vươn khơi, cùng cực lắm thì 8 người đi cũng được, nhưng phải ứng trước tiền thuê bạn 6 - 7 triệu đồng/người để họ chịu đi làm cho mình. Phần lớn các tàu đánh bắt xa bờ đầu tư máy móc hiện đại, như: Máy tời, máy dò quét, dò chụp… để giảm bớt sức lao động; đầu tư hệ thống hầm bảo quản sản phẩm để tăng hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, khi ra khơi sẽ đánh bắt theo tổ, đội để hỗ trợ nhau”. 

Đoàn Ngọc Thuận Báo Bình Định