Thu nhập cao từ nghề câu kiều, ốc mực
Thời gian qua, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và các đồn biên phòng trên tuyến biển Cà Mau đã nỗ lực vận động ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác với mục đích “Đem lại hiệu quả kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường biển”. Trong đó, câu kiều, ốc mực là 2 nghề được các ngư dân lựa chọn vì chi phí thấp nhưng đem lại thu nhập cao.
Hiện nay, tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh có trên 10 phương tiện đang hoạt động nghề câu kiều mang lại hiệu quả cao. Nghề này cũng đang được nhân rộng để các hộ trên địa bàn chuyển nghề. Anh Hồ Thanh Phương, ở ấp 3, xã Khánh Hội, cho biết, trước đây gia đình anh khó khăn lắm, phương tiện nhỏ chỉ làm nghề cào cạn, sau khi chuyển sang làm nghề câu kiều thì trung bình mỗi con nước hoạt động, trừ chi phí anh có thu nhập từ 10-15 triệu đồng. Vì thế, anh mua thêm phương tiện, giàn câu tăng lên 3 phương tiện. “Nhờ chuyển nghề mà bây giờ cuộc sống gia đình ổn định. Thấy làm hiệu quả nên tôi vận động thêm bà con ở xóm chuyển đổi nghề cùng làm. Tôi không giấu nghề, mình làm có ăn thì san sẻ với bà con”, anh Phương phấn khởi.
Nghề câu kiều là nghề đã có từ lâu ở Cà Mau, nhưng ít ai chú tâm đến bởi người làm nghề biển thường mơ ước có tàu lớn để vươn ra khơi, nghề câu kiều, nghề lưới cá lẹp, đóng đáy chỉ dành cho người nghèo, không vốn đầu tư và chấp nhận loanh quanh ở ven bờ. Hiện anh Phương có khoảng 30.000 lưỡi câu, dài khoảng 5 km.
Loại lưỡi câu kiều phải đặt ở An Giang mới có, được làm bằng thép cứng, uốn thành móc tương tự như các loại lưỡi câu khác, nhưng có độ nhạy vướng mắc nhanh. Hình thức đánh bắt khá đơn giản, sử dụng 1 dây dường, cách khoảng 20 cm thì mắc 1 lưỡi câu, đoạn dây buộc lưỡi cũng có độ dài khoảng 20-30 cm, cách khoảng 2 m gắn 1 cái phao nhỏ, sao cho khi thả xuống biển giàn câu sẽ nổi cách mặt đáy biển từ 20-30 cm. Cách khoảng 100 m thì có 1 cột cờ đánh dấu đường câu đi qua và báo hiệu cho các phương tiện khác biết.
Câu kiều không cần mồi nhưng các loại cá vẫn dính vì dưới đáy biển nước chảy nhẹ, có thể cuộn xoáy đảo chiều, giàn lưỡi câu đung đưa theo chiều nước và khi các loại cá ăn chìm bơi đi tìm mồi, khi gặp chướng ngại vật thì quay đầu hoặc quẫy đuôi, lúc này cá đã bị lưỡi câu mắc vướng vào. Cá càng cố thoát thì càng bị các lưỡi câu găm vào mình, vì vậy cá to quậy mạnh thì lưỡi càng mắc sâu và chắc. Hung hãn như cá chẽm loại gần 10 kg vẫn bị buộc chặt. Phương tiện phục vụ cho nghề này thường sử dụng loại có tải trọng 5-10 tấn. Các loại cá đánh bắt được nhiều là cá lạt, cá đuối, cá dứa và nhiều loại khác nhưng số lượng ít hơn.
Bên cạnh nghề câu kiều, nghề câu mực ốc cũng được ngư dân Khánh Hội đầu tư phát triển, hiện tại đã có 42 phương tiện hoạt động nghề này. Được biết, nghề ốc mực được du nhập từ ngư dân Kiên Giang sang Cà Mau hoạt động từ nhiều năm trước và ngư dân Cà Mau bắt đầu học làm theo từ khoảng năm 2007. Nghề này cũng khá đơn giản, đầu tư vốn và chi phí ít nhưng hiệu quả cao. Họ dùng dây dường chính, cách khoảng 1 m có 1 dây thả dài khoảng 50 cm sâu qua miệng con ốc biển (loại ốc màu vàng chọn con to bằng bàn tay người lớn, đã lấy ruột).
Nghề ốc mực cũng không cần mồi, ngư dân ra biển chỉ thả dây ốc xuống biển, tuỳ khoảng cách cột phao đánh dấu. Đặc điểm của nghề này là đánh mực tua râu ngắn là chính. Mực tự tìm và chui vào mình ốc nên không ra được. Ngư dân thường thu hoạch bằng cách thả hết dây ốc thì quay lại kéo đầu kia lên tìm mực, cứ thế kéo lên rồi thả xuống hết vòng thì quay lại. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngư dân làm nghề ốc mực thường xuyên bị cắt trộm trên biển, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
2 nghề này hiện nay đang được ngư dân ở các cửa biển huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân và U Minh khai thác nhưng mới đang ở mức nhen nhóm, tự phát. Ngành chức năng cần quan tâm, giúp đỡ và nhân rộng để ngư dân nhân rộng thành mô hình khai thác đại trà trong tỉnh. Bà con ngư dân có thể tham khảo kỹ thuật để chuyển đổi nghề nhằm hoạt động đánh bắt có hiệu quả hơn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên biển./.