TIN THỦY SẢN

Úc và Canada cảnh báo chất lượng thuỷ sản Việt Nam

minh tuấn

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT (NAFIQAD) cho biết, mới đây cơ quan này đã nhận được văn bản của Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) và Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Australia (DAFF) thông báo tình hình phát hiện dư lượng các chất kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones (kháng sinh cấm sử dụng) trong các lô hàng thuỷ sản của Việt Nam tăng cao.

Cụ thể, theo thống kê của CFIA, trong vòng 3 năm trở lại đây các lô hàng thuỷ sản từ Việt Nam xuất sang Canada có tỷ lệ đáp ứng nhu cầu về dư lượng chất Fluoroquinolones rất thấp so với các lô hàng đến từ các thị trường khác. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2011-2012) đã có 103 lô hàng thuỷ sản từ Việt Nam bị từ chối NK vào Canada do phát hiện dư lượng chất Fluoroquinolones vượt mức cho phép. Tại Australia, DAFF cũng thông báo đã phát hiện 39 lô hàng thuỷ sản của Việt Nam có dư lượng chất Fluoroquinolones vượt mức cho phép trong thời gian vừa qua.

Như vậy, sau nhiều năm tạm lắng, thời gian gần đây việc nhiễm dư lượng các chất kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones lại đang “nóng” trở lại, gây rắc rối không nhỏ cho các DN XK thuỷ sản của Việt Nam.

Trước tình hình này, NAFIQAD yêu cầu các DN chế biến XK thuỷ sản chủ động rà soát, nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở để tránh nguy cơ bị ngưng XK sang các thị trường Canada và Australia. Thời gian này NAFIQAD cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời để kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh trong thuỷ sản XK vào 2 thị trường nói trên.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2012 kim ngạch XK các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 130,4 triệu USD, sang Australia đạt khoảng 182 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch XK thuỷ sản sang 2 thị trường này lần lượt đạt 36,2 triệu USD và 50,5 triệu USD. Như vậy, 2 thị trường Canada và Australia không phải là những thị trường NK thuỷ sản trọng điểm của Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là từ tháng 7/2012 đến nay, khi NAFIQAD áp dụng chế độ kiểm tra chặt với các cơ sở XK thuỷ sản sang Nhật Bản thì cũng đã phát hiện 11/40 lô hàng thuỷ sản nhiễm chất Enrofloxacin (một chất kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones). Nhật Bản là 1 trong 3 thị trường NK thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, trong khi rào cản về chất Trifluralin (đối với sản phẩm tôm) chưa được gỡ bỏ hoàn toàn thì những việc phát hiện thêm những lô hàng có dư lượng các chất kháng sinh cấm thuộc nhóm Fluoroquinolones vượt mức cho phép lại đang đe doạ trực tiếp đến kết quả XK của các DN thuỷ sản trong nước một khi thị trường lớn này có những động thái phòng vệ thương mại đối với các lô hàng thuỷ sản đến từ Việt Nam.

minh tuấn Kịnh tế nông thôn