Việt Nam sắp có lực lượng Kiểm ngư
Trong bối cảnh ngư dân Việt Nam liên tiếp bị bắt giữ, bị tấn công trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia, lực lượng kiểm ngư ra đời sẽ góp phần bảo vệ, tạo niềm tin cho ngư dân tiếp tục bám biển. Xung quanh đề án và chức năng của lực lượng này, ông Lưu Văn Huy, Chánh Thanh tra Tổng cục Thủy sản cho biết:
Tới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án Kiểm ngư. Theo đó, Kiểm ngư sẽ kiểm tra, giám sát các hoạt động về nghề cá, hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển. Thực ra, tiền thân của lực lượng này có từ năm 1989 với tên gọi là thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, có tổ chức từ Trung ương đến địa phương, xử lý hành chính, kiểm soát và chủ yếu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trực thuộc Bộ Thủy sản (cũ). Song đến năm 2004, khi Luật Thanh tra ra đời thì lực lượng này không còn tồn tại nữa, chỉ còn thanh tra thủy sản.
Tuy nhiên, trước tình hình bất cập trong tổ chức và hoạt động của lực lượng này, cùng với đó là vấn đề biển Đông ngày một diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Đề án Kiểm ngư.
- PV: Ý kiến của các bộ, ngành và các tỉnh, thành ven biển ra sao?
- Ông Lưu Văn Huy: Tổng cục Thủy sản chủ trì xây dựng đề án này. Hiện, chúng tôi đã lấy ý kiến của các Bộ như GTVT, Công an, Ngoại giao… và 28 tỉnh, thành ven biển. Tất cả các bộ, ngành cũng như 28 tỉnh, thành này đều đã đồng ý và ủng hộ về mặt chủ trương. Các tỉnh, thành đều rất quan tâm, vì nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tiếp bị xâm hại, gây khó khăn và là một trong những cản trở khiến ngư dân “ngại” ra khơi.
- Chức năng chính của Kiểm ngư là gì?
- Lực lượng này chủ yếu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hỗ trợ cho ngư dân khai thác và bám biển. Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác và nhiều nhóm nhiệm vụ khác, cùng lực lượng cảnh sát biển, hải quân và lực lượng khác trên biển tham gia giải quyết các tranh chấp…
- Lực lượng này sẽ tham gia hỗ trợ cho ngư dân như thế nào?
- Giống như tàu Ngư chính của một số nước, mỗi khi hoạt động ở đâu, sự hiện diện của họ giúp ngư dân vững tin. Chủ trương của Bộ NN&PTNT thành lập các tổ hội trên biển, để tự họ bảo vệ nhau. Bên cạnh đó, nếu có lực lượng Kiểm ngư đi kèm, khi xảy ra tranh chấp ngư trường… lực lượng Kiểm ngư sẽ xác định đúng vai trò để hỗ trợ các tàu này.
- Lực lượng này có gì khác so với Cảnh sát biển và Hải quân?
- Đây là lực lượng dân sự, không thể dùng vũ lực đối với tàu cá của quốc gia khác xâm hại vùng biển Việt Nam. Lực lượng Kiểm ngư chỉ được xử lý vi phạm hành chính. Cũng đã có nhiều ý kiến, giao lực lượng Kiểm ngư cho Cảnh sát biển quản lý. Tuy nhiên, Cảnh sát biển lại do Bộ Quốc phòng quản lý, không phải dân sự.
- Vậy khi nào Việt Nam chính thức có lực lượng Kiểm ngư?
- Đối với 28 tỉnh ven biển chúng tôi đã trình phương án xây dựng 28 Chi cục Kiểm ngư, còn lại các tỉnh khác cần có Phòng Kiểm ngư để tuần tra, kiểm soát trên các hồ, đặc biệt là hồ nước có loài quý hiếm. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng đang soạn thảo Nghị định xin ý kiến của UBTV Quốc hội, nếu được phê duyệt, dự kiến đến cuối 2012 đầu năm 2013 sẽ chính thức có lực lượng Kiểm ngư hoạt động trên biển.
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong quý I-2012, số tàu cá cùng ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tăng mạnh. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm đã có 34 vụ bắt giữ với hơn 40 chiếc tàu và hơn 400 ngư dân. Ngư dân Việt Nam chủ yếu bị bắt giữ bởi các nước như Indonesia, Malyasia, Trung Quốc, Philippines.