TIN THỦY SẢN

Xăng dầu tăng giá - nhọc nhằn nghề cá

Tàu thuyền neo đậu tại bến cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Đỗ Hà

Huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình hiện có 702 phương tiện tàu thuyền, trong đó có hơn 60 tàu xa bờ. Với thực trạng giá xăng dầu liên tục tăng như vừa qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của ngư dân.

Tàu xa bờ - tiến thoái lưỡng nan 

Ngày 16/4/2019, con tàu vỏ sắt mang số hiệu TB 90568 TS, công suất 829CV được đóng theo Nghị định số 67 của ngư dân Bùi Xuân Cử, xã Nam Thịnh đã tiếp đầy nhiên liệu, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, đá lạnh, ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi dự kiến kéo dài khoảng 15 ngày. 8 thuyền viên trên tàu đều là những người có kinh nghiệm, nhiều năm bám biển, thông thuộc mọi ngư trường. Đây đang là vụ cá thu chính trong năm, ai cũng hy vọng có được một chuyến biển thuận lợi, bù cho chuyến trước bị lỗ tới 120 triệu đồng. Thế nhưng chỉ 4 ngày sau tàu đã phải quay vào bờ. Lý do là bởi nguồn cá thì ít, ngư lưới cụ lại bị rách tả tơi do bị tàu lạ xén qua. Anh em trên tàu cố gắng gìm giữ, vớt vát lại những tấm lưới đánh cá trị giá cả trăm triệu đồng - phương tiện thiết yếu của cuộc mưu sinh. Không còn cách nào khác, tàu buộc phải quay về bờ sửa lưới. Mái tóc ngả vàng cứng như cước, mặt sạm đen vì nắng gió, người đàn ông 58 tuổi nói trong khắc khổ, xót xa: Chuyến này tôi bị lỗ tới 200 triệu đồng, trong đó tiền xăng dầu chiếm một nửa. Nửa còn lại là nhu yếu phẩm và tiền công vẫn phải thanh toán cho anh em. Trước tàu có 10 người, nhưng không kham nổi nên giờ chỉ còn 8. Tiền công của anh em thì cố định từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nguồn cá không nhiều như trước, tiền dầu thấp còn đỡ. Chứ cứ tăng chóng mặt như vừa rồi thì không biết cầm cự được bao lâu.

Tâm tư của ông Bùi Xuân Cử cũng là lo lắng chung của ngư dân Tiền Hải khi những ngày qua, giá xăng dầu liên tục “nhảy múa”. Sau 2 tháng đầu năm ổn định, từ đầu tháng 3/2019 đến 17/4/2019, giá xăng dầu đã 4 lần điều chỉnh tăng khiến nhiều ngư dân choáng váng. Bởi tiền xăng dầu chiếm từ 50 - 60% chi phí trong mỗi chuyến ra khơi. Chưa kể xăng dầu tăng giá, kéo theo nhiều hàng hóa thiết yếu tăng theo. Ông Đặng Thanh Khuyên, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh, người cũng có 1 tàu vỏ sắt công suất hơn 820CV đóng theo Nghị định số 67 nhẩm tính, trước đây mỗi chuyến biển khoảng hơn 10 ngày, số tiền chi cho xăng dầu khoảng 45 - 50 triệu đồng. Cũng hải trình ấy, giờ đây phải chi thêm từ 15 - 20 triệu đồng tiền dầu nữa. Bên cạnh đó nguồn lợi thủy sản thì ngày càng cạn kiệt. Đang là mùa cá, mà sản lượng giảm rõ rệt so với các năm trước. Thu không đủ bù chi nên lớp trẻ đa số đều rời tàu đi làm công việc khác. Chỉ còn lớp người cũ vẫn rong ruổi trên mỗi ngư trường, mong những ngày trời cho lộc biển. Tuy vậy, trong cái đắn đo, tính toán tưởng như bế tắc của ông Khuyên vẫn còn có những lý do rất đáng tự hào. Ông bảo: Nhiệm vụ của 67 không chỉ là đánh bắt hải sản, là mưu sinh, mà còn là giữ vùng biển Tổ quốc. Ra khơi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ, tung bay, cũng thấy hãnh diện, thấy tự hào lắm. Rồi bản thân thấy phấn chấn và có thêm nhiều động lực bám biển. Với lại sắm trâu là để đi cày. Không thể để con tàu gần 20 tỷ đồng đắp chiếu thành đống sắt vụn được. Mà đi thì cứ phải gồng gánh thế đấy.

“Tiến thoái lưỡng nan” là tâm lý chung của ngư dân khi xăng dầu trở thành mặt hàng xa xỉ. Tuy vậy họ vẫn phải gồng mình để ra khơi. Bởi đằng sau đó là gáng nặng nợ nần phải trả, là tình yêu với đất nước, quê hương - một thứ tình yêu đã trở thành tín ngưỡng. 

Tàu cá nằm bờ - cây xăng nằm chờ

Những ngày xăng dầu đội giá, cây xăng dựng ngoài mép nước dành riêng để tiếp dầu cho tàu thuyền khu vực bến cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh của cửa hàng xăng dầu số 26, Công ty Xăng dầu Thái Bình cũng bớt nhộn nhịp hơn. Khách hàng của cây xăng này chủ yếu là tàu thuyền đánh bắt gần bờ. Tuy không bị ảnh hưởng quá nhiều như tàu xa bờ khi giá xăng dầu leo thang, nhưng sức mua cũng giảm đáng kể. Ông Phạm Minh Huấn, nhân viên cửa hàng xăng dầu số 26, Công ty Xăng dầu Thái Bình cho biết, trước đây mỗi tháng cây xăng xuất bán khoảng 40 - 45 m3 dầu. Hiện nay con số này đã giảm khoảng 20%. Xăng tăng giá nên ngư dân họ tính toán các phương án tiết kiệm nhất. Điều này cũng dễ hiểu thôi. 

Không bình tĩnh như ông Huấn, ông Phạm Xuân Thủy, xã Nam Thắng, nhân viên của 1 tàu dầu tư nhân tại khu vực cảng cá Cửa Lân vừa bơm dầu từ xe bồn lên kho chứa trên tàu vừa thở hắt ra: Bơm nốt chuyến này rồi chúng tôi cũng định nghỉ một thời gian xem thế nào. Chứ giá dầu tăng quá, ngư dân làm ăn thì phập phù, toàn nợ khó đòi... Bài toán về giá xăng dầu đã len lỏi vào từng nhịp thở của ngư dân. Và tại bến Cửa Lân, 1 tàu hậu cần nghề cá đã “nằm bờ” từ vài năm qua do làm ăn không hiệu quả. Có ngư dân đã bán tàu đi làm thuê cho tàu khác. Tư tưởng để tàu “nằm bờ, gác lưới” đã manh nha trong suy nghĩ của không ít chủ tàu. 

Cần những giải pháp căn cơ

 Để ứng phó với bão giá xăng dầu trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhiều chủ phương tiện tàu thuyền trên địa bàn huyện Tiền Hải đã thay đổi phương thức, lộ trình đi biển. Ông Đặng Đức Hồng, ngư dân xã Nam Thịnh, một chủ tàu công suất 105CV chia sẻ, nhiều tàu xa bờ quay ra đánh bắt gần bờ để rút ngắn quãng đường di chuyển, tiết kiệm được tiền dầu. Nhưng hiệu quả cũng không cao vì phải đổi ngư cụ và lãng phí công suất máy. Có tàu xa bờ thay vì 10 ngày về bến thì họ lại chuẩn bị thêm đá lạnh, lương thực, thực phẩm neo lại ngoài khơi thêm dăm bảy ngày để đánh bắt, đỡ được chi phí xăng dầu đi lại. Tuy vậy, việc neo đậu dài ngày sẽ làm cho sản phẩm đánh bắt không bảo đảm chất lượng hoặc bị các đầu buôn ép giá. Chưa kể những mẻ lưới không, những rủi ro có thể gặp phải do thời tiết, thiên tai hay tranh chấp ngư trường. “Nghĩa là kiểu gì thì ngư dân cũng gặp khó. Nhưng khó tầu vẫn phải vươn khơi thì mới giữ được nhân công, mới khai thác được ngư lưới cụ. Nằm bờ, gác lưới thì người lao động họ sẽ tìm việc khác hoặc tầu khác để làm, rất khó quay về. Nếu xăng dầu rẻ hơn một chút thì ngư dân sẽ tiết kiệm được một khoản để cân đối thu chi, mới tự tin vươn khơi, bám biển” - ông Hồng bộc bạch. 

Như vậy có thể thấy, việc thay đổi phương thức, lộ trình đi biển của ngư dân để dìu nhau qua “bão giá” cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Để nghành đánh bắt thủy hải sản phát triển bền vững cần có những giải pháp căn cơ hơn. Như điều tiết số lượng tầu thuyền phù hợp với nguồn tài nguyên vùng biển; phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các hình thức đánh bắt hủy diệt; có cơ chế đầu tư phát triển ngành chế biến thủy hải sản bảo đảm đầu ra hợp lý cho ngư dân và có những cơ chế đặc thù, hiệu quả cho những tàu cá tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. 

Đỗ Hà Báo Thái Bình