Chờ hỗ trợ
Gia đình anh Trần Thanh Tuân (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) nuôi cá lồng bè trong hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) từ năm 2016 đến nay. Từ năm 2014 đến nay, nghề nuôi gặp nhiều khó khăn. “Sợ nhất là thiếu thức ăn khi cá đang đến kỳ thu hoạch. Mình không thể thỏa thuận mua trước, trả tiền sau thu hoạch với chủ đại lý bán thức ăn cho cá nên nhiều khi phải chạy đôn chạy đáo vay mượn” - anh Tuân nói. Thời điểm cá mới nuôi, anh Tuân tốn 5 triệu đồng mỗi ngày để trang trải tiền mua thức ăn cho cá. Gần đến kỳ thu hoạch, cá sinh trưởng nhanh nên cần đến hơn 10 triệu đồng mỗi ngày để mua thức ăn. “Được Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My hướng dẫn, tôi đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục gửi đến Sở NN&PTNT đề xuất hỗ trợ cho 10 lồng nuôi cá theo cơ chế đã ban hành. Dù được ngành chức năng cho biết hồ sơ không có thiếu sót nào từ mấy tháng qua nhưng đến nay tôi vẫn chưa được nhận hỗ trợ. Nếu được nhận hỗ trợ 100 triệu đồng thì gia đình tôi dễ xoay xở, không phải luẩn quẩn vay mượn tiền để mua thức ăn cho cá đang đến kỳ thu hoạch” - anh Tuân nói.
Gia đình anh Hoàng Việt Anh (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) cũng đầu tư 10 lồng nuôi cá trong 1 bè bố trí ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Biết được UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ nông hộ nuôi cá trong lồng bè, anh Anh đã thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ gửi đến ngành chức năng đề xuất hỗ trợ 100 triệu đồng cho 10 lồng nuôi cá. Anh Anh cũng đang mỏi mòn chờ nhận hỗ trợ như các hộ nuôi cá khác trong hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Ông Trần Giang Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho rằng, không riêng gia đình anh Anh, 16 hộ dân nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 đều tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường, hồ đập khi nuôi cá. Các hộ nuôi cá đã nhiệt tình đóng góp xây dựng địa phương khi được vận động. “Nuôi cá trong hồ thủy điện Sông Tranh 2 đem lại lợi nhuận khá cho nông hộ. Nếu được ngân sách hỗ trợ, các hộ sẽ giải quyết được khó khăn trước mắt về chi phí mua thức ăn nuôi cá và sẽ đầu tư lớn hơn, mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian đến” - ông Lợi nói. Còn ông Khương Đình Thương - cán bộ của Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My thì cho biết, các hộ nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, tạo sản phẩm tốt được thị trường đón nhận. Mô hình này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của huyện đề ra. Nuôi cá trong lồng bè cũng đã góp phần giải quyết việc làm, giảm áp lực thiếu đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân tái định cư xung quanh hồ thủy điện Sông Tranh 2.
Đã thẩm định hồ sơ
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có 2.000ha mặt nước, nguồn nước trong sạch, rất phù hợp với nuôi thủy sản. Để khai thông lợi thế, tiềm năng lớn, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện tạo điều kiện để các hộ dân đầu tư nuôi cá trong lồng bè. Khi biết UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích nuôi trồng thủy sản áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, ngành đã giúp đỡ các hộ nông dân thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục để tiếp cận cơ chế. Đến nay, đã có 16 hồ sơ hoàn thiện, được Hội đồng thẩm định của tỉnh xét duyệt đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Nếu được ngành chức năng giải ngân vốn hỗ trợ, nông hộ sẽ sớm giải quyết được các khó khăn về thức ăn nuôi cá, đầu tư con giống chất lượng, vật tư làm lồng bè, qua đó phát triển tốt nuôi trồng thủy sản, đem lại thu nhập khá. Đồng thời thấy các mô hình nuôi cá triển khai thành công, các nông hộ khác sẽ đến tham quan, học hỏi, làm quen với phương thức nuôi cá trong lồng bè theo hướng hàng hóa lớn. “Được tiếp nhận hỗ trợ, nông dân miền núi sẽ đầu tư tốt hơn, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống” - ông Thiệu cho biết.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đến thời điểm này đã có 19 hồ sơ của các hộ nuôi cá trong lồng bè ở các huyện Bắc Trà My, Núi Thành, Phước Sơn gửi đến ngành nông nghiệp đề xuất hỗ trợ theo cơ chế. Qua xét duyệt, hầu hết hồ sơ được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh công nhận đủ điều kiện để nhận hỗ trợ với mức 100 triệu đồng/hộ với 10 lồng nuôi cá. Trong thời gian đến, Sở Tài chính sẽ giải ngân, giải quyết các hồ sơ đề xuất hỗ trợ để người nông dân tiếp cận, đầu tư tốt hơn trong nuôi trồng thủy sản. Có vậy, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mới được triển khai tốt, tạo cú hích phát triển thủy sản hàng hóa theo hướng bền vững.
Cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh ban hành vào năm 2016 sau khi HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cơ chế gồm các lĩnh vực đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; sản xuất nhân tạo, ương nuôi giống thủy sản; nuôi thủy sản thương phẩm; tiêu thụ sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có trụ sở hoặc có chi nhánh trên địa bàn tỉnh; hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác; hợp tác xã đầu tư nuôi thủy sản. Riêng trong phạm vi nuôi cá trong lồng bè, cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá, có quy mô từ 6 lồng trở lên; mỗi lồng có thể tích tối thiểu 60m3, vật liệu làm lồng bằng khung kim loại, khung nhựa hoặc khung gỗ, có lớp lưới ny lon xung quanh (lưới không gút). Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 150 triệu đồng. Với quy cách lồng như trên, nếu lồng nuôi cá bằng lưới có gút được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 100 triệu đồng.